08/06/2012
Đồ sơn thời tiền sử, sơ sử
Đồ sơn thời tiền sử, sơ sử
Sự tích về lục vị tiên công khai sáng đồng đất cùng một số tín ngưỡng dân gian mà người Đồ Sơn còn lưu truyền đến ngày nay mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (tính nhị nguyên, yếu tố nước chủ đạo). Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đời vua Tự Đức) lại cho rằng: Tổng Đố Sơn tế thần có tục chọi trâu là theo tục Đãn hộ. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì nguồn gốc của cư dân làm nghề đánh cá ở một số vùng ven biển nước ta là người Đãn-một tộc người Mã Lai cổ thường theo mậu dịch phong đi đánh cá rồi định cư ở ngư trường mới. Vẫn đề nguồn gốc cư dân Đồ Sơn còn phải nghiên cứu thêm, nhưng đặt Đồ Sơn vào vùng văn hóa cư dân hải đảo Đông Nam Á cổ thì mới có thông tin trên, Đại Nam nhất thống chí cho ta thêm cơ sở đề khẳng định Đồ Sơn là vùng đất có cư dân sinh sống từ lâu đời. Hơn thế nữa, nếu trong lịch sử có sự di cư của người Đãn đến Đồ Sơn thì trong quá trình giao lưu văn hóa, họ cũng đã Việt hóa. Văn hóa Việt ở miền ven biển này mang tính trội, rộng mở, tiếp thu và bảo lưu tục chọi trâu đặc sắc nay đã trở thành giá trị văn hóa vô giá của người Đồ Sơn. Những ghi chép của Lệ Đạo Nguyên về Đồ Sơn cổ trong sách Thủy kinh chú lại cho chúng ta thêm những bằng chứng đề thấy rằng Đồ Sơn là vùng đất được tổ tiên người Đồ Sơn khai phá, dựng xây cơ nghiệp ngàn đời ít nhất là cũng vào thế kỷ I trước công nguyên.
Từ những phân tích trên, có thể rút ra một phần nhận xét: Trước công nguyên từ một đến vài thế kỷ, tổ tiên người Đồ Sơn đã đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, đóng góp cả về vật chất và những giá trị văn hóa đặc sắc vào quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.