I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Trung Quốc, Triều Tiên thúc đẩy hợp tác song phương
Ngày 11/4, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân Đại) toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã tham dự các sự kiện đánh dấu 75 năm Trung Quốc và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Triệu Lạc Tế đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Choe Ryong Hae.
Tại cuộc hội đàm, hai bên tập trung “thảo luận các chủ đề liên quan đến chính sách tích cực thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hóa, phù hợp với nguyện vọng cao cả của lãnh đạo cấp cao của hai đảng, hai nước.” Hai bên tuyên bố năm 2024 là khoảng thời gian quan trọng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc, là “năm hữu nghị Triều-Trung” và do đó sẽ phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống Triều Tiên-Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên cũng “trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm,” ký kết các văn kiện thống nhất giữa hai Chính phủ và các cơ quan của Triều Tiên và Trung Quốc.
Chuyến thăm của Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc là hoạt động ngoại giao cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kể từ năm 2019 và cũng đánh dấu việc một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên kể từ sau đại dịch COVID-19. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Trung-Triều, mà còn đối với tình hình khu vực.
2. Phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
Sáng 08/4, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đây là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đầu tiên ngay sau khi đoàn tới Bắc Kinh thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai nước và chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chuyển lời thăm hỏi thân tình, những tình cảm quý mến và tốt đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới đồng chí Tập Cận Bình. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giành được, nhất là từ Đại hội XVIII đến nay; tin tưởng nhân dân Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội XX, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; hy vọng Trung Quốc sẽ đóng góp quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển toàn cầu, thực hiện ngoại giao láng giềng “thân, thành, huệ, dung”, mang lại cơ hội hợp tác cho các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời thăm hỏi thân thiết đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát triển, ổn định, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược mở ra giai đoạn hợp tác mới, rộng mở cho quan hệ song phương với 6 phương hướng lớn: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới…
3. EU cấm hàng hoá sử dụng lao động cưỡng bức
Tiếp nối Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua luật cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức - một quyết định có thể tạo ảnh hưởng đáng kể lên chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hành vi của người tiêu dùng.
Ngày 23/4 các nhà lập pháp EU đã thông qua đạo luật cấm các sản phẩm mà trong quá trình sản xuất có sử dụng lao động cưỡng bức. (lao động cưỡng bức là tất cả các dịch vụ và công việc mà một cá nhân bị bắt phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt, và cá nhân đó không tự nguyện thực thi công việc.)
Theo nội dung, luật này không chỉ có hiệu lực với hàng hóa nhập khẩu mà còn với cả những hàng hóa sản xuất tại EU nhưng bao gồm nguyên liệu được sản xuất ở nước ngoài có liên quan đến lao động cưỡng bức. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ có quyền tiến hành điều tra khi có nghi vấn về chuỗi cung ứng của các nước ngoài khối. Nếu được chứng minh có sử dụng lao động cưỡng bức, cơ quan chức năng tại EU sẽ thu giữ hàng hóa ngay tại biên giới, ra lệnh rút chúng khỏi thị trường châu Âu và loại bỏ khỏi kệ hàng của các nhà bán lẻ trực tuyến.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế thống kê năm 2021 có khoảng 27,6 triệu lao động cưỡng bức, trong đó ước tính có 3,3 triệu lao động trẻ em. Quy định mới này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt là với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – khu vực có tỷ lệ lao động cưỡng bức cao nhất trong các khu vực trên thế giới (55%).
4. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa
Ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Tại họp báo thường kỳ ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng được đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Hằng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua". Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông", bà Hằng nêu.
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
1. Thông tin tình hình trong nước
1.1. Bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 4,5 ngày làm việc.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra, với việc thảo luận, cho ý kiến đối với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 Báo cáo của Chính phủ.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Nội dung này sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, xem xét và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Về công tác giám sát, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến đối với 4 báo cáo gồm: Kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023; Kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.”
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kết quả của phiên họp lần này, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục khẩn trương ban hành thông báo kết luận các nội dung để các cơ quan có cơ sở triển khai thực hiện và tiếp tục chuẩn bị các nội dung khác cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
1.2. Tầm nhìn chiến lược về tương lai ASEAN
Ngày 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (AFF 2024) lần đầu tiên, được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm", diễn đàn có sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó đông đảo diễn giả là lãnh đạo cấp cao của ASEAN và các nước ASEAN.
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện 5 tăng cường để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045. Đó là: ASEAN cần tăng cường đoàn kết; tăng cường tin cậy chiến lược; tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh; tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm; tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công tư, tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia.
Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận toàn thể với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm", các đại biểu đã bàn về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực; trao đổi, đề xuất những hướng đi giúp ASEAN đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Diễn đàn Tương lai ASEAN là một trong những sự kiện đa phương lớn mà Việt Nam tổ chức trong năm 2024, mang theo thông điệp Việt Nam mong muốn đóng góp chủ động, tích cực, tham gia định hình tương lai và bước phát triển mới của ASEAN trong thời gian tới. Việc tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể chiến lược đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là trong triển khai đường lối đối ngoại đa phương được nêu tại Đại hội XIII của Đảng.
1.3. Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng
Chiều 04/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn kết về mọi mặt, từ lịch sử, quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa - nghệ thuật, con người; khẳng định Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Qua Ngài Đại sứ, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm có dịp đón Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sang thăm Việt Nam để trao đổi và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm trong ngành Ngoại giao, Ngài Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới; các cơ quan hữu quan Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ và có nhiệm kỳ công tác thành công.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt các chuyến thăm cấp cao; triển khai kết quả điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron tháng 10/2023, cũng như các cơ chế hợp tác liên ngành giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò, tiếng nói và các sáng kiến của Pháp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN - EU, Pháp ngữ...; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Pháp để ứng phó với những thách thức toàn cầu.
1.4. Thủ tướng Chính phủ tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican
Chiều ngày 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher nhân dịp có chuyến thăm Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào mừng Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh thăm Việt Nam và đánh giá chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, nhất là sau khi thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam - Tòa thánh đang phát triển tích cực. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican sẽ thành công tốt đẹp và cũng là dịp để Bộ trưởng thăm 3 Tổng Giáo phận, chứng kiến tận mắt sự phát triển của cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Trao đổi về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó cộng đồng Công giáo phát triển mạnh mẽ với hơn 7,2 triệu giáo dân; khẳng định Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân với hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện, đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động tôn giáo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia xây dựng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Giáo hội Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Tăng cường hợp tác giữa Hải Phòng với Nam Ninh và Thâm Quyến
Chiều ngày 18/4, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì tiếp Đoàn đại biểu Chính quyền thành phố Nam Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến), Trung Quốc.
Hiện tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, gấp 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 81,16% so với kế hoạch thu hút năm 2023, là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược của Hải Phòng với số dự án và số vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, với 394 dự án đầu tư (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan), tổng vốn đầu tư đăng ký 6,1 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về số vốn đầu tư tại Hải Phòng. Các dự án do phía Trung Quốc đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản, mua bán hàng hóa thương mại...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa TP. Hải Phòng và Nam Ninh ngày càng phát triển, giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm được tổ chức thường xuyên và đi vào chiều sâu, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Bí thư Thành ủy Hải Phòng hy vọng, dưới sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo 2 địa phương, đặc biệt là của Bí thư Thành ủy Nam Ninh, cũng như sự hỗ trợ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thời gian tới, 2 địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy hơn nữa giao lưu trao đổi đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp; các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân… nhằm tăng cường hiểu biết giữa 2 bên. Đồng thời, tiếp tục hợp tác thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh tế thương mại, logistics...; hỗ trợ kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh; thúc đẩy và hỗ trợ các sở, ngành, địa phương, đơn vị 2 bên triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác cụ thể... Đặc biệt, ngay sau cuộc làm việc này, các doanh nghiệp của Nam Ninh sẽ sớm triển khai đầu tư tại Hải Phòng. Mong muốn, với nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư và phát triển khu thương mại tự do, phía Trung Quốc sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển và quản trị khu kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, cảng biển, logistics... Đồng thời, mở rộng kết nối hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tại TP. Hải Phòng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
2.2. Hải Phòng sẽ bắn pháo hoa tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa nổ trong Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024. Chương trình bắn pháo hoa nổ chào mừng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024), nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ Nhân dân thành phố trong dịp Lễ hội, đồng thời góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh thành phố, con người Hải Phòng và phát triển kinh tế, xã hội thành phố theo hướng bền vững.
500 quả tầm cao, 150 giàn pháo hoa tầm thấp là số lượng pháo hoa TP. Hải Phòng sẽ bắn sau khi kết thúc Chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản" được tổ chức vào lúc 20h ngày 11/5, tại địa điểm mới: Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Kinh phí thực hiện là từ nguồn huy động xã hội hóa.
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng 4/2024
- Giá trị sản xuất công nghiệp: Tháng 4 đạt 90.000 triệu đồng, 4 tháng đạt 316.200 triệu đồng đạt 31,3% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản: Tháng 4 đạt 68.095 triệu đồng, 4 tháng đạt 272.392 triệu đồng đạt 34.9% kế hoạch, bằng 98,3% so với cùng kỳ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 4 đạt 338.000 triệu đồng, 4 tháng đạt 1.358.000 triệu đồng đạt 35% kế hoạch, tăng 36,3% so với cùng kỳ.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận: Tháng 4: 34.270 triệu đồng; lũy kế 4 tháng: 109.327 triệu đồng, đạt 32,17% DT thành phố; 32,01% DT HĐND quận giao, bằng 135,9% so với cùng kỳ.
- Tổng chi ngân sách trên địa bàn quận: Tháng 4: 34.270 triệu đồng; lũy kế 4 tháng: 107.891 triệu đồng, đạt 24,7% dự toán; bằng 104,7% so với cùng kỳ.
- Tổng lượt khách du lịch: Tháng 4 đạt 495.000 lượt khách, 4 tháng đạt 1.356.000 lượt khách, đạt 35,6% kế hoạch, tăng 45,03% so với cùng kỳ.
3.2. Kế hoạch tổ chức các hoạt động Liên hoan du lịch năm 2024
- Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố
+ Thời gian: Từ 19h30’, ngày 27/4/2024 (Thứ Bảy)
+ Địa điểm: Sân khấu Tuyến đường đi bộ, Khu II Đồ Sơn.
- Ngày hội trình diễn diều nghệ thuật
+ Thời gian: Từ 8h00’ - 17h00’, ngày 30/4/2024 (Thứ Ba)
+ Địa điểm: Bãi biển du lịch Vụng Hương, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
- Chương trình nghệ thuật Liên hoan du lịch 2024 “Đồ Sơn – Điểm đến 4 mùa”
+ Thời gian: Từ 20h00’ – 21h30’, ngày 30/4/2024 (Thứ Ba)
+ Địa điểm: Quảng trường Biển, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
- Tổ chức giải Golf Du lịch mở rộng tại sân Golf Đồi Rồng do Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương chử trì thực hiện
+ Thời gian: Ngày 12/5/2024 (Chủ Nhật)
+ Địa điểm: Sân Dragon Golf Links (Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng).
- Lễ hội ẩm thực Đồi Rồng với 150 gian hàng ẩm thực và trưng bày với các quầy ăn thử miễn phí
+ Thời gian: Từ ngày 27/4 – 01/5
+ Địa điểm: Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 05/2024
1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và quận trong tháng 5 (Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024; Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024); 69 năm Ngày giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2024)…); tuyên truyền các hoạt động Liên hoan du lịch 2024 “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”.
2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận tháng 4; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tháng 5 năm 2024. Tiếp tục tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Cuộc thi Chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới năm 2024”.
3. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ về việc “Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025”; các chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và dự kiến thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố.
4. Tiếp tục triển khai nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những vấn đề được dư luận quan tâm như: Công tác tổ chức Liên hoan du lịch Đồ Sơn 2024; Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận; công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kết quả kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội; danh mục các công trình phấn đấu khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 và 70 năm giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2025) và những vấn đề phát sinh, đột xuất, phức tạp có thể diễn ra tại địa phương, đơn vị.
5. Tăng cường tuyên truyền, thông tin thường xuyên, liên tục, đầy đủ về chủ trương của Trung ương, Thành phố và của quận. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội trong Nhân dân và trên các trang mạng xã hội các thông tin trái chiều, xấu, độc trên các trang mạng xã hội để kịp thời đấu tranh, phản bác, ngăn chặn.