Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn trong việc ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Cụ thể, UBND quận hàng năm đã quan tâm dành một phần vốn ngân sách để ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị đến nay là 3.055 triệu đồng.
Hoạt động tín dụng chính sách ở quận Đồ Sơn trong 10 năm qua đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH quận, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,12% (12 hộ), vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần hạn chế tệ cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế tại địa phương.
Phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, mang lại hiệu quả kinh tế, ý nghĩa chính xã hội to lớn, phát huy được vai trò của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội chính là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ TK&VV tại cơ sở, từ đó cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các Hội đoàn thể cùng với Tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV và việc sử dụng vốn của hộ vay; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Thông qua phương thức ủy thác cho vay, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày được nâng lên; đồng thời tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào Hội, từ đó góp phần đưa tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh.
Hiện nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 243.146 triệu đồng, chiếm 100% tổng dư nợ, với 74 Tổ TK&VV và trên 3.195 hộ vay, trong đó: Hội Nông dân tham gia quản lý 64,5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5%); Hội Phụ nữ tham gia quản lý 90,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 37,1%); Hội Cựu chiến binh tham gia quản lý 53,2 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 21,8%); Đoàn Thanh niên tham gia quản lý 35,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 14,4%).
Thực hiện chủ trương của NHCSXH về việc tổ chức hoạt động giao dịch tại xã, phường, thị trấn, NHCSXH quận đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch cố định tại các phường trên địa bàn quận, đến 30/4/2024 đơn vị đang quản lý và duy trì hoạt động 6/6 Điểm giao dịch tại Trụ sở UBND các phường trên địa bàn quận. Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại.
Tại Điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai, minh bạch để các tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia kiểm tra, giám sát; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở. Cấp ủy chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH phục vụ nhân dân, đảm bảo an toàn trong hoạt động.