I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Một số thành tựu nổi bật của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam năm 2023
Năm 2023 và nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Đối ngoại Việt Nam đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, trong đó có việc nâng tầm và tạo những đột phá. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 12 đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 đối tác. Năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản; nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hòa bình của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ nhân loại.
Với vị thế, uy tín quốc tế và những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026… Việt Nam cũng chủ động đóng góp và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình tại các điểm nóng ở châu Phi.
Đối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hòa quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Trên biên giới đất liền, Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch. Trên biển, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, tạo chuyển biến trong xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia.
Đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao. Bên cạnh việc tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đối ngoại Việt Nam đã chủ động, tích cực mở rộng, tìm kiếm các đối tác mới, tiềm năng. Năm 2023, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6%, tăng 32,8%. Lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chủ trương, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Về Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 15/6/2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương, Tổ quốc; tích cực vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào phục vụ phát triển đất nước. Công tác bảo hộ công dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào tại Ukraine ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn. Phối hợp giải quyết kịp thời, đưa khoảng hơn 700 ngư dân của ta ở nước ngoài về nước.
2. Thủ tướng Lào thăm chính thức Việt Nam: Tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước
Từ ngày 6-7/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Chính phủ Lào đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Sonexay Siphandone đến Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Lào và được tiến hành trong bối cảnh hai nước đang tích cực triển khai nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cùng với các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Chính phủ Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc gia tăng sự tin cậy, gắn bó giữa hai Đảng, hai Chính phủ nói chung và cá nhân Thủ tướng Chính phủ hai nước nói riêng, chuyến thăm còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng phát triển đi vào thực chất và hiệu quả.
Việc Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone thăm chính thức Việt Nam, cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào cũng là dịp để hai bên trao đổi về tình hình của mỗi nước, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm; rà soát, đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ đạt được tại kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào tháng 1/2023; trao đổi về phương hướng, các biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong năm 2024.
3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tới châu Âu
Sáng 23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác châu Âu tham dự hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 đến 23/1/2024.
Cả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 60 hoạt động. Tham dự WEF Davos 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư - khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, sở hữu trí tuệ…Chuyến tham dự WEF Davos 2024 để lại dấu ấn đậm nét và lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong chuyến thăm chính thức Hungary và Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi quan trọng. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, riêng lĩnh vực hợp tác GD-ĐT có gần 30 văn bản hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của Hungary và Romania.
Chuyến thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; vì sự phồn vinh của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
1. Thông tin tình hình trong nước
1.1 Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 - 13/01/2024.
Đây là dịp quan trọng để hai bên tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (30/12/1955) đến nay, quan hệ Việt Nam - Indonesia phát triển thuận lợi và tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì phối hợp lập trường chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Phong trào không liên kết… Năm 2013, hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Ðối tác chiến lược. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước giữ đà phát triển tích cực, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo mang ý nghĩa quan trọng, tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong tất cả các mặt, như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế… Chuyến thăm không chỉ là dịp để hai bên cùng điểm lại những thành tựu đã đạt được thời gian qua mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như giáo dục, văn hóa, hàng không, công nghệ, chuyển đổi năng lượng, xe điện… trong thời gian tới.
1.2 Triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống
Sáng 18/01/2024, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận cao, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Kết quả kỳ họp, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Hải Phòng tặng quà Tết người có công cao nhất cả nước
Tết Nguyên đán 2024, TP Hải Phòng tặng người có công 5,5 triệu đồng, trong đó 5,2 triệu tiền mặt và 300.000 đồng quà tặng, gấp gần 10 lần mức chung của cả nước.
Theo kế hoạch thăm hỏi, tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024, ngoài mức quà 300.000-600.000 đồng của Chủ tịch nước, TP Hải Phòng sẽ chi gần 250 tỷ đồng tặng quà cho 45.425 gia đình người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. 11.030 hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận hỗ trợ 1,6-1,8 triệu đồng mỗi hộ. Người từ 70 tuổi trở lên được tặng từ 900.000 đồng đến 1,7 triệu đồng. Trẻ mồ côi, khuyết tật nhận quà một triệu đồng mỗi em. Theo Phó chủ tịch thành phố ông Lê Khắc Nam, mức hỗ trợ của Hải Phòng hiện cao nhất cả nước. Trước đó dịp 27/7/2023, thành phố chi gần 250 tỷ tặng quà gia đình chính sách, người có công.
Ngoài ngân sách thành phố, các quận huyện cũng trích ngân sách và nguồn xã hội hóa để tặng quà cho người có công, trung tâm bảo trợ xã hội, chiến sĩ mới nhập ngũ, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Năm 2023, tổng thu ngân sách của TP Hải Phòng gần 103.620 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 43.460 tỷ, đạt 138,7% dự toán Trung ương giao, bằng 117,5% so với năm 2022.
2.2. Hải Phòng tiến hành tốt công tác tuyển quân năm 2024
Theo kế hoạch tuyển quân năm nay, thành phố Hải Phòng được giao tuyển chọn 2.550 công dân (năm 2023 là 2500), bàn giao cho 09 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3. Để công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt được chỉ tiêu, chất lượng cao, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã bám sát đặc điểm địa bàn, tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ tuyển quân; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cùng cấp và tổ chức thực hiện.
Năm 2024, các địa phương đã tổ chức điều khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho 7.788 công dân; qua khám tuyển có 2.899 công dân đủ cho điều kiện nhập ngũ, trong đó loại 1 là 479 người; loại 2 là 1.456 người, loại 3 là 964 người; trình độ văn hóa từ THPT trở lên đạt 87,72%, trong đó có 493 công dân có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, có nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Trong “mùa tuyển quân” năm nay, Bộ CHQS thành phố tham mưu cho Thành phố chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm tốt công tác phối hợp chăm lo, quan tâm, động viên cả vật chất và tinh thần đối với thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ; duy trì hiệu quả mô hình xây, sửa nhà cho gia đình thanh niên nhập ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng và kết nạp Đảng cho đối tượng đã đủ điều kiện vào Đảng trước khi nhập ngũ. Đến nay, đã có 08/14 địa phương tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị về Đảng cho 427 thanh niên ưu tú trước khi lên đường nhập ngũ.
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Kết quả nổi bật của quận Đồ Sơn trong năm 2023
(1). Tổ chức thành công Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XXV Đảng bộ quận, nhiệm kỳ 2020-2025
Mặc dù nhận định, đánh giá và dự báo việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội là rất khó khăn và đầy thách thức, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã thảo luận, nhất quán quan điểm, quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó đã lựa chọn 19 nhiệm vụ, giải pháp có cấp thiết, trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ.
(2). Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động Nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện, có nhiều điểm mới, sáng tạo
Đảng bộ và hệ thống chính trị quận tiếp tục duy trì sự ổn định; tinh thần đoàn kết, nhất trí được lan tỏa sâu rộng; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của quận. Phương thức lãnh đạo của Đảng được chú trọng đổi mới theo hướng đồng bộ, đúng vai, đúng việc. Đã kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ quận theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền, bước đầu thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng.
Điểm nổi bật, Ban Chấp hành Đảng bộ quận ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành 03 chương trình công tác có ý nghĩa quan trọng đối với công tác an sinh và phát triển kinh tế - xã hội quận, cụ thể: Chương trình đảm bảo an sinh xã hội quận Đồ Sơn giai đoạn 2023-2025; Chương trình về chỉnh về chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình về đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận Đồ Sơn, giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Công tác tuyên giáo luôn chủ động đi trước một bước, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặc biệt quan tâm. Tổ chức thành công Cuộc thi “Cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận Ðồ Sơn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - góp phần lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn quận. Xây dựng “Bản tin sinh hoạt chi bộ” hàng tháng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai đồng bộ, kịp thời, với nhiều hình thức phong phú.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả toàn diện nhiều lĩnh vực; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên (101%), chỉ tiêu thành lập tổ chức cơ sở đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 10/11/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy (200%). Công tác công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm đúng quy định, quy trình; xây dựng hướng dẫn, quy trình mẫu về nghiệp vụ công tác tổ chức, xây dựng Đảng theo hướng ngắn gọn, dễ triển khai thực hiện tại cơ sở. Tổ chức thành công Hội thi Bí thư chi bộ giỏi; lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Quận uỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quận, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và đạt nhiều kết quả rõ nét, đặc biệt là kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Công tác tư pháp và cải cách tư pháp, thực hiện điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không xảy ra oan sai, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Công tác dân vận được chú trọng, quyền dân chủ của Nhân dân được phát huy, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân. Ban hành “Quy trình xử lý điểm nóng, vụ việc phức tạp”, “Quy trình xây dựng, thực hiện, công nhận mô hình “Dân vận khéo”; triển khai sâu rộng Cuộc thi tuyên truyền các mô hình “Dân vận khéo” tham gia xây dựng đô thị văn minh và chuyển đổi số năm 2023.
Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đặc biệt, năm 2023, ghi dấu ấn lần đầu tiên đồng chí Bí thư Quận uỷ và đồng chí Chủ tịch UBND quận gặp gỡ, đối thoại với hội viên Hội Nông dân quận. Thông qua đối thoại, đã tháo gỡ, giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, động viên tinh thần hăng say lao động sản xuất, góp phần tạo đồng thuận xã hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt và được thành phố đánh giá cao. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận luôn bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy, phát huy tinh thần khối đại đoàn đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị; củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận.
(3). Công tác xây dựng chính quyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả
Hội đồng nhân dân quận thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ. Triển khai và tổ chức thành công “kỳ họp số” (kỳ họp không giấy tờ). Ban hành 37 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngân sách, chủ trương đầu tư dự án. Hoạt động giám sát, khảo sát được tăng cường, chú trọng vào những vấn đề thiết thực liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri được quan tâm kịp thời.
Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2023, trong đó tập trung công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư; chỉnh trang, phát triển đô thị; giải ngân vốn đầu tư công, công tác thu ngân sách; quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động lớn của địa phương và các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế; chỉ đạo bảo đảm tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận.
(4). Triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội quận tiếp tục ổn định và phát triển, thể hiện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế đạt 18,84%; 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu chủ yếu đạt cao, vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ như: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100% kế hoạch, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 114,14% kế hoạch, tăng 32,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 100,1% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 116,7% kế hoạch, tăng 50,6% so với cùng kỳ. Thu hút khách du lịch đạt 118% kế hoạch, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 529.522 triệu đồng, bằng 181,2% dự toán thành phố, bằng 142,8% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị được quan tâm chỉ đạo; tập trung kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm; tập trung nguồn lực cho công tác chỉnh trang, phát triển đô thị. Tiếp tục tập trung cao tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Triển khai thực hiện quyết liệt các dự án thành phố quyết định đầu tư (dự án đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thượng Đức - phường Minh Đức; tuyến đường Hợp Đức - phường Hợp Đức); các dự án đầu tư công, các công trình sự nghiệp, các dự án tồn đọng; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.
Công tác tư pháp, cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo; công tác tiếp dân được tăng cường, giải quyết tốt các đơn thư. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
(5). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều nét nổi bật
Công tác chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cao tuổi được thường xuyên quan tâm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Tiếp tục cơ chế hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo. Năm 2023 số hộ nghèo giảm 32 hộ bằng 0,23% đạt 121% kế hoạch (còn 20 hộ = 0,14%). Hoàn thành vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch (đạt 02/01 trường). Trường THPT Đồ Sơn dẫn đầu các trường học, thuộc các cấp học trên địa bàn về số học sinh giỏi cấp thành phố, với 51 giải. Khánh thành dự án “Cổng du lịch thông minh kết hợp với giải pháp mạng không dây” tại tuyến đường Vạn Hương; triển khai thực hiện công trình “Chợ dân sinh chuyển đổi số” tại chợ Cầu Vồng và tuyến đường Sơn Hải (phường Hải Sơn); triển khai mô hình “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử”; gắn mã QR-Code thông tin tại Di tích Từ đường họ Nguyễn Văn (phường Bàng La); Chùa Hang, Đền Bà Đế (phường Hải Sơn); Đình Quý Kim (phường Hợp Đức)… Phối hợp tổ chức thành công giải chạy VnExpress Marathon Hai Phong 2023 …
(6). Quốc phòng - an ninh được tăng cường; An ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững
Năm 2023, quận đã cơ bản hoàn thành xây dựng khu vực phòng thủ; phối hợp tổ chức thành công Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó với siêu bão và tìm kiếm cứu nạn với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 3.900 người tham gia diễn tập, 470 phương tiện các loại được huy động, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường tiềm lực trong khu vực phòng thủ thành phố.
Khu vực biên giới biển được quản lý tốt, hoàn thiện hồ sơ xử lý, tuyên truyền vận động 100% các hộ nuôi ngao trái phép trên địa bàn tự tháo dỡ xong các công trình vi phạm. Lực lượng vũ trang quận duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc địa bàn, không để xảy ra điểm nóng, những tình huống bất ngờ; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nâng cao chất lượng quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu và văn minh đô thị năm 2023; bảo đảm vững chắc cho thành quả phát triển kinh tế - xã hội, an toàn và bình yên cuộc sống của Nhân dân.
3.2. Các hoạt động đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại quận Đồ Sơn
- Tổ chức Chợ Hoa Xuân
+ Thời gian: Từ ngày 30/01/2024 đến 08/02/2024 (tức ngày 20 đến ngày 29 tháng Chạp)
+ Địa điểm: Tại Công viên Đầm Vuông.
- Tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa, Xuân Giáp Thìn - 2024
+ Thời gian: Từ 0h00’ đến 0h15’, ngày 10/02/2024 (tức ngày Mồng 1 Tết)
+ Địa điểm: Tại Công viên Đầm Vuông.
- Hội đua thuyền rồng
+ Thời gian: Từ 8h30’ ngày 14/02/2024 ( tức ngày Mồng5 Tết)
+ Địa điểm: Tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng
- Tết trồng cây truyền thống Xuân Giáp Thìn
+ Thời gian: 8h30’, ngày 15/02/2023 ( tức ngày Mồng 6 Tết)
+ Địa điểm: Tại Tuyến đường Đoàn Kết, phường Hải Sơn
- Lễ Khai bút đầu Xuân
+ Thời gian: 8h30’ ngày 17/02/2024 (tức ngày Mồng 8 Tết)
+ Địa điểm: Tại Tháp Tường Long, phường Ngọc Xuyên.
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 02/2024
1. Tuyên truyền các hoạt động đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024).
2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận năm 2023; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024.
3. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới và Chương trình hành động số 57-CTr/TU ngày 28/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW gắn với thông tin một số tình hình an toàn giao thông trên địa bàn; Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024; Thông báo số 30/TB-SVHTT về treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng trên địa bàn thành phố.
4. Tiếp tục triển khai nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những vấn đề được dư luận quan tâm như: Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận; công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kết quả kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội; danh mục các công trình phấn đấu khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 và 70 năm giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2025) và những vấn đề phát sinh, đột xuất, phức tạp có thể diễn ra tại địa phương, đơn vị.
5. Tăng cường tuyên truyền, thông tin thường xuyên, liên tục, đầy đủ về chủ trương của Trung ương, Thành phố và của quận. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội trong Nhân dân và trên các trang mạng xã hội các thông tin trái chiều, xấu, độc trên các trang mạng xã hội để kịp thời đấu tranh, phản bác, ngăn chặn.