BẢN TIN
THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 5 NĂM 2025
-----
I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Hoạt động đối ngoại
1.1. Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào
Tối 25/4, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường tới CHDCND Lào. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường và nâng cao mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong tình hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Lào lần đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước Lương Cường, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước Lương Cường đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; khẳng định chuyến thăm đặt dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
1.2. Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/4/2025. Sau Lễ đón chính thức sáng ngày 28/4/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Ishiba Shigeru.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Thủ tướng Ishiba thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản; cảm ơn Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi vừa qua cũng như trong giai đoạn phòng, chống COVID-19; khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác tin cậy và quan trọng hàng đầu của Việt Nam; đánh giá quan hệ hai nước có tiềm năng hợp tác ngày càng rộng lớn với nền tảng là sự tin cậy chính trị, giao lưu nhân dân lâu đời và thế mạnh bổ sung lẫn nhau. Cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp của nguồn vốn vay ODA và đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua.
Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản sau gần 2 năm nâng cấp lên khuôn khổ quan hệ mới; đánh giá cao những tiến triển đã đạt được sau hai lần gặp gỡ, trao đổi giữa hai Thủ tướng chỉ trong gần 1 năm qua. Hai bên cũng trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung về các phương hướng lớn và biện pháp đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, tiến vào kỷ nguyên mới trên phương châm “chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất, hiệu quả, cùng có lợi” trong 5 lĩnh vực gồm quan hệ chính trị; kinh tế, kết nối nguồn nhân lực; an ninh-quốc phòng; khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh; hợp tác tại các diễn đàn đa phương.
2. Tình hình Thế giới
2.1. Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh
Chi tiêu quân sự thế giới đạt 2,72 nghìn tỉ USD vào năm 2024, tăng 9,4% so với năm 2023 và là mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Reuters ngày 28/4 dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển) cho thấy căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến chi tiêu quân sự tăng ở mọi khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Trung Đông. "Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024. Khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự, thường là gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực ngân sách khác, thì sự đánh đổi về kinh tế và xã hội có thể có tác động đáng kể đến đất nước trong nhiều năm tới", báo cáo của SIPRI cho hay.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến chi tiêu quân sự ở châu Âu (bao gồm cả Nga) tăng 17%, đẩy chi tiêu quân sự của châu lục này vượt quá mức được ghi nhận vào giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh. Chi tiêu quân sự của Nga ước tính đạt 149 tỉ USD trong năm 2024, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. Con số này chiếm 7,1% GDP của Nga và 19% tổng chi tiêu của chính phủ. Tổng chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 2,9% lên 64,7 tỉ USD, tương đương 43% chi tiêu của Nga. Với 34% GDP, Ukraine là quốc gia chịu gánh nặng quân sự lớn nhất vào năm 2024. "Ukraine hiện đang phân bổ toàn bộ doanh thu thuế cho quân đội. Trong một không gian tài chính eo hẹp như vậy, sẽ rất khó khăn cho Ukraine để tiếp tục tăng chi tiêu quân sự", SIPRI cho hay.
2.2. Đông Nam Á tăng cường đối phó lừa đảo qua mạng
Đông Nam Á đang đẩy mạnh các biện pháp đối phó những hang ổ lừa đảo qua mạng đang lợi dụng sự phát triển hạ tầng kỹ thuật số trong khu vực để lừa đảo, rửa tiền và buôn người, gây thiệt hại lớn và đe dọa an ninh khu vực. Số liệu của LHQ cho thấy các vụ lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á gây thiệt hại đến 37 tỉ USD hằng năm, theo chuyên san The Diplomat. Một báo cáo năm 2023 ước tính gần 220.000 người bị đưa vào các hang ổ lừa đảo ở Campuchia, Myanmar và Philippines.
Trong động thái mới nhất, chính phủ Thái Lan ngày 13/4 triển khai sắc lệnh khẩn cấp buộc các tổ chức tài chính, công ty viễn thông và nền tảng mạng xã hội chia sẻ trách nhiệm. Những tổ chức không tuân thủ có thể bị phạt đến 500.000 baht (385 triệu đồng). Tháng trước, Trung tâm Chống lừa đảo thuộc Lực lượng Cảnh sát Singapore cho biết đã phối hợp với 4 ngân hàng lớn ngăn chặn tổng cộng hơn 58 triệu USD suýt bị chuyển vào tài khoản bọn lừa đảo trong 2 tháng trước đó. Ngày 20/2, Campuchia thành lập Ủy ban Đối phó lừa đảo qua mạng, do Thủ tướng Hun Mane làm chủ tịch.
Bên cạnh việc củng cố các quy định, nhiều quốc gia trong khu vực đang tăng cường phối hợp đối phó lừa đảo qua mạng. Nhận định về nạn lừa đảo qua mạng, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros cho rằng bọn tội phạm hoạt động xuyên biên giới, nên cần tăng cường cách tiếp cận mang tính khu vực. Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Philippines mới đây, bà kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm triệt phá các trung tâm lừa đảo, giải cứu các nạn nhân và buộc bọn tội phạm chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, bà kêu gọi ASEAN phối hợp với những nước có công dân là nạn nhân như Mỹ, Đức, Anh và Úc để đối phó hiệu quả hơn.
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
1. Thông tin tình hình trong nước
1.1. Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
Đúng 6 giờ 30 phút sáng 30/4, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) sẽ chính thức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp trên VTV1, HTV1 cùng một số kênh sóng của các đài truyền hình địa phương.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Người dân sẽ được thực hiện nghi lễ chào cờ, đón xem chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư công phu, lắng nghe diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như chia sẻ của đại diện cựu chiến binh và đại diện thế hệ trẻ Việt Nam.
Đặc biệt, chương trình diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 13.000 người, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong những ngày vừa qua. Bên cạnh đó, một loạt các hoạt động về nguồn cũng được Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai, bao gồm: Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa trang Lạc Cảnh, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi, Nghĩa trang Chính sách Thành phố Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng...Nhiều hoạt động nhằm tri ân các gia đình liệt sĩ, người có công với nước, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các lực lượng tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cũng được tổ chức.
1.2. Kết quả Hội nghị Thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 đã chính thức bế mạc tại Hà Nội sau 4 ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả (từ 14-17/4). Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng: Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác giữa P4G với các tổ chức, cơ chế quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Đây là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021 - 2026, thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ, vai trò tiên phong và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Suốt thời gian diễn ra hội nghị, hơn 20 phiên thảo luận cùng nhiều hoạt động triển lãm xanh, kết nối doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa chiều.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định 5 kết quả đồng thuận lớn của hội nghị. Cụ thể là đồng thuận về huy động tài chính phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy các mô hình hợp tác công – tư và chính sách tài chính sáng tạo; khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, đầu tư mạnh mẽ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khởi nghiệp; đồng thuận về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực theo hướng bền vững; và về phát triển, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao.
Tại phiên bế mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chính thức chuyển giao vai trò chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 5 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali. Theo đó, Ethiopia sẽ là nước đăng cai tổ chức Hội nghị P4G vào năm 2027, tiếp tục sứ mệnh toàn cầu vì tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
1.3. Một số chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện đúng chủ trương theo Kết luận số 130-KL/TW, ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp (còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp. Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 01/7/2025 sau khi Hiến pháp nǎm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nǎm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp (xã, phường, thị trấn) thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn thì đơn vị hành chính sau sắp xếp là xã. Việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (truớc sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin; đặt tên của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, vǎn hóa và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức 3-4 ban chuyên môn giúp việc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức 14 sở và tương đương (riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 15 sở và tương đương). Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 nǎm cơ bản bố trí theo đúng quy định.
Tổ chức chính quyền địa phương cấp xã: Về cơ cấu tổ chức, chính quyền địa phương cấp xã có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức 2 ban chuyên môn giúp việc; ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức 4 phòng chuyên môn và tương đương. Về chức nǎng, nhiệm vụ, quyền hạn, chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các chức nǎng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã theo nǎng lực và yêu cầu quản lý. Về biên chế, chuyển biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, có thể tǎng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã. Truớc mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 nǎm cơ bản theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương đi vào hoat động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh uỷ, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.
Kết thúc việc sử dụng người hoat động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định. Tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; truớc mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có; sau đó giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở.
Về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, giữ nguyên các đơn vị sự nghiêp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở.
Đối với trung tâm y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Thành phố Hải Phòng – Tỉnh Hải Dương phối hợp xây dựng và triển khai Đề án hợp nhất 02 địa phương
Chiều ngày 18/4, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương trao đổi, thống nhất một số nội dung về triển khai thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản của Trung ương về hợp nhất tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương, bao gồm:
(1). Công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, Nhân dân về việc thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương.
(2). Về xây dựng dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; trình tự, thủ tục, tiến độ thời gian thực hiện đến ngày trình Trung ương.
(3). Về dự kiến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương.
(4). Ký Kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương để xây dựng và triển khai Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng.
(5). Công tác phối hợp về xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030.
(6). Định hướng về việc bố trí trụ sở làm việc của cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể của đơn vị hành chính cấp tỉnh (mới) và một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
(7). Một số nội dung khác.
2.2. Hải Phòng vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index 2024
Thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,3% và tăng 01 bậc xếp hạng so với năm 2023. Đây là lần thứ 2 thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (lần gần nhất là năm 2021); trong lịch sử 13 năm đánh giá thì Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.
Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp thành phố Hải Phòng tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới; năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch.
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. HĐND quận Đồ Sơn khóa XI thông qua chủ trương hợp nhất Tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; sắp xếp các phường trên địa bàn quận Đồ Sơn
Sáng ngày 25/4/2025, HĐND quận Đồ Sơn khóa VI đã tổ chức Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) để xem xét và quyết định thông qua hai chủ trương quan trọng:
1. Chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng.
2. Chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn quận Đồ Sơn.
Với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, 100% đại biểu HĐND quận đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với các nội dung trình tại kỳ họp.
I. Chủ trương hợp nhất Tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng
- Phạm vi hợp nhất: Giữ nguyên toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện có của:
• TP Hải Phòng: 1.526,44 km², dân số 2.468.029 người
• Tỉnh Hải Dương: 1.668,28 km², dân số 2.196.095 người
- Sau khi hợp nhất:
• Tổng diện tích: 3.194,72 km² (đạt 212,98% tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương)
• Tổng dân số: 4.664.124 người (đạt 466,41% tiêu chuẩn)
- Tên gọi mới: Thành phố Hải Phòng
- Trung tâm chính trị - hành chính: Đặt tại TP Hải Phòng hiện nay
- Tỷ lệ cử tri đồng thuận: 99,93%
II. Sắp xếp các phường trên địa bàn quận Đồ Sơn
1. Hiện trạng hành chính
- Số lượng phường hiện có: 06 phường gồm: Hải Sơn, Vạn Hương, Ngọc Xuyên, Bàng La, Minh Đức, Hợp Đức
- Tổng diện tích tự nhiên: 46,44 km²
- Tổng dân số: 66.866 người
2. Sau sắp xếp
Thành lập 02 phường mới trên cơ sở sáp nhập các phường hiện có, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định đối với đơn vị hành chính sáp nhập từ 3 đơn vị trở lên:
PHƯỜNG NAM ĐỒ SƠN
- Toàn bộ diện tích và dân số của 03 phường: Bàng La, Hợp Đức, Minh Đức; một phần phường Vạn Hương (TDP 5 và một phần TDP 4, diện tích 0,13 km², dân số 600 người); một phần phường Ngọc Xuyên (diện tích 0,31 km², dân số 32 người)
- Nơi đặt trụ sở: Trụ sở phường Minh Đức hiện nay (TDP Nguyễn Huệ)
- Tỷ lệ cử tri đồng thuận: 97,15%
PHƯỜNG ĐỒ SƠN
- Cơ bản là diện tích, dân số của các phường: Ngọc Xuyên, Hải Sơn, Vạn Hương (trừ phần diện tích đã chuyển về phường Nam Đồ Sơn như nêu trên); tiếp nhận một phần phường Tân Thành (quận Dương Kinh) tại khu vực KCN Đồ Sơn (0,1 km²)
- Nơi đặt trụ sở: UBND quận Đồ Sơn hiện nay (số 195 Lý Thánh Tông, phường Ngọc Xuyên)
- Tỷ lệ cử tri đồng thuận: 97,34%.
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 6/2025
Đồng chí Bí thư các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Quận uỷ chỉ đạo quán triệt, triển khai, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân một số nội dung trọng tâm sau:
1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và quận trong tháng 6; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Đồ Sơn; Liên hoan du lịch quận Đồ Sơn năm 2025; ….
2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận trong tháng5; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tháng 6 năm 2025.
3. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Kết luận số 121-KT/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị về “một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025”; Kết luận số 137-KL/TW, ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII;…
4. Quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên Chương trình hành động số 89-CT/TU, ngày 25/02/2025 của Ban Thường vụ Thành uỷ và Kế hoạch số 255-KH/QU, ngày 25/02/2025 của Ban Thường vụ Quận uỷ thực hiện Chương trình hành động số 89-CT/TU, ngày 25/02/2025 của Ban Thường vụ Thành uỷ về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn quận Đồ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024 (Gửi kèm tài liệu).
5. Tăng cường tính phát hiện, dự báo diễn biến tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân quận; các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề xuất các phương hướng, giải pháp định hướng, xử lý thông tin dư luận xã hội để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ động nắm vững thông tin, tình hình dư luận xã hội, thường xuyên tuyên tuyền, lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch trên không gian mạng.
-----------