TIN MỚI

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

BẢN TIN: THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 7 NĂM 2024

I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

1. Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6. Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp; thể hiện WEF và Trung Quốc coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, các ưu tiên, định hướng phát triển của Việt Nam. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác có các hoạt động song phương với Trung Quốc nhằm duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và 2 Bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng tới hai nước vừa qua; thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như kết nối đường sắt qua biên giới, hợp tác kinh tế biên giới, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch của Việt Nam, thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

  2. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 6/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin tàu khảo sát Hải Dương 26 của hải quân Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, phía Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc về vụ việc này. Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự; tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN

1.Thông tin tình hình trong nước

1.1. Lãnh đạo Việt Nam – Liên bang Nga nhất trí về 5 định hướng lớn trong hợp tác song phương

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin (Vladimir Putin) đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20/6/2024. Đây là chuyến thăm với nhiều ý nghĩa quan trọng, có thể coi là một điểm nhấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2024, thể hiện ở những điểm chính sau:

Trước hết, chuyến thăm khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với việc đón Tổng thống Putin, Việt Nam khẳng định luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn cùng Nga củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và làm sâu sắc hơn khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập.

Thứ hai, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga (16/6/1994 - 16/6/2024), tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950 - 30/1/2025), là dịp hai bên đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra những định hướng để đưa quan hệ hợp tác và đối tác Việt – Nga trong thời gian tới phát triển toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn.

Thứ ba, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng dành cho Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại Hướng Đông của Nga. Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo Liên bang Nga, đây là lần thứ năm Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam, đồng thời là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 3/2024. Những chuyến đi của Tổng thống Vladimir Putin để lại dấu ấn đậm nét và đóng góp vào việc tạo dựng những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó có việc khởi xướng, ủng hộ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Liên bang Nga năm 2001 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở những thành tựu của 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga”, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin đã thành công tốt đẹp. Hai bên trân trọng mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đặt nền móng và vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu giữa hai dân tộc, là nền tảng để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục phát triển vì lợi ích của mỗi nước và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

1.2. Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các đại sứ, đại biện của EU và các nước thành viên:

 Chiều 7/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và các đại sứ, đại biện các nước thành viên EU tại Hà Nội đến chào và chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước khẳng định, EU và các nước thành viên là những đối tác quan trọng của Việt Nam; vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên thời gian qua phát triển năng động, thể hiện qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường; đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận và cơ chế hợp tác, đối thoại. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU đang phát triển tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 4 nước thành viên EU, đối tác toàn diện với 3 nước và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 3 nước. 

Thời gian tới, để đưa quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, Chủ tịch nước đề nghị các đại sứ, đại biện tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có để triển khai tốt Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cũng như các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam với các nước EU, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác; tăng cường ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Chủ tịch nước cũng đề nghị các đại sứ có tiếng nói thúc đẩy các nước EU chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm phê chuẩn Hiệp định và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên và sinh kế của ngư dân Việt Nam; giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển, nuôi trồng hải sản bền vững. 

Hoan nghênh các chiến lược, sáng kiến hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU với cách tiếp cận cân bằng, nhiều ưu tiên hợp tác phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối của EU với khu vực, thúc đẩy hợp tác thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN-EU, cũng như giữa ASEAN và các nước thành viên EU.

  2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng

  2.1. Hải Phòng: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước

  Nhiều năm gần đây, TP. Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, Hải Phòng tập trung mời gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường...

  Hải Phòng đã thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đạt về số lượng, liên tục đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, top đầu cả nước, mà chất lượng đã dịch chuyển, tập trung nhiều hơn vào nhóm ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt 647 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế hết tháng 5/2024, Hải Phòng thu hút 556 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư ước đạt 26,726 tỷ USD, tiếp tục giữ vững top dẫn đầu toàn quốc. Theo BQL KKT Hải Phòng, các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại, cơ bản hình thành được các hệ sinh thái đối với một số lĩnh vực như: Điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo, giảm dần các dự án thâm dụng lao động.

  Thực tế, thời gian qua, TP. Hải Phòng ngày càng tạo lập được môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), hay các chỉ số về dịch vụ công cũng luôn nằm trong top 5 cả nước. TP. Hải Phòng ngày càng có sự dịch chuyển rất quan trọng, duy trì được vị trí trong tạo lập môi trường cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động sàng lọc để lựa chọn các dự án và nhà đầu tư chất lượng cao, Hải Phòng đã được nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone lựa chọn là điểm đến. Các “ông lớn” này tiếp tục “lôi kéo” các dự án vệ tinh trong chuỗi cung ứng đến “làm tổ” tại Hải Phòng, hình thành các cụm liên kết ngành quy mô.

   2.2. Hải Phòng: Tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên và trẻ em trong thời gian nghỉ hè

  Ngày 21/6, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy. Để thực hiện tốt Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 17/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy.

  UBND thành phố xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

  Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, nhất là những ngày nắng, nóng; tiếp tục tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp cho học sinh, sinh viên, trẻ em trong thời gian nghỉ hè với hình thức phù hợp. Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Công Thương cùng với các địa phương phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Phòng yêu cầu ngành Điện phân công bố trí cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà" kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra.

Công an TP tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện; kịp thời tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND TP những nội dung cần chỉ đạo theo quy định

  3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận

3.1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quý II năm 2024

- Tổng thu ngân sách kế hoạch năm là 339.850 triệu đồng; ước thực hiện tháng 6: 28.880 triệu đồng, lũy kế 6 tháng: 178.437 triệu đồng, đạt 52,5% DTTP, 52,5% DTHĐND quận, bằng 118,3% so với cùng kỳ. 

- Tổng chi ngân sách kế hoạch năm là 437.249 triệu đồng; ước thực hiện tháng 6: 39.855 triệu đồng; lũy kế 6 tháng: 167.747 triệu đồng, đạt 37,1% Dự toán; bằng 103,2% so với cùng kỳ. 

- Tổng lượt khách du lịch: Kết quả 06 tháng đạt 2,326 nghìn lượt khách, đạt 61,21% kế hoạch, tăng 46,29% so với cùng kỳ.

- Giải ngân vốn đầu tư công: 06 tháng đầu năm 2024 đã giải ngân từ nguồn ngân sách thành phố 93.622/196.074 triệu đồng, đạt 47,7% kế hoạch; giải ngân từ nguồn thành phố phân cấp 53.500/160.613 đạt 33,3% kế hoạch.

  3.2. Tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại quận Đồ Sơn

  Chiều ngày 19/6/2024, Đồng chí Đào Khánh Hà - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ cùng các thành viên tổ đại biểu HĐND thành phố số 3 tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

   Tại Hội nghị, Tổ đại biểu thông báo với cử tri quận Đồ Sơn 04 nội dung:

    - Nội dung, chương trình dự kiến, thời gian tiến hành Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026;

  - Dự thảo báo cáo của UBND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH, QP-AN thành phố 6 tháng đầu năm; bổ khuyết nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024;

  - Báo cáo trả lời giải quyết ý kiến của cử tri tại Kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khóa XVI (nội dung liên quan đến Đồ Sơn);

  - Một số dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố sẽ thông qua tại kỳ họp (chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố; chính sách hỗ trợ kinh phí đóng Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, đủ từ 60 đến dưới 70 tuổi....).

Cũng tại Hội nghị, cử tri quận Đồ Sơn kiến nghị, đề xuất với đai biểu HĐND thành phố 05 nội dung:    

  (1) Quan tâm bố trí, sắp xếp điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh dịch vụ khi Thành phố và quận thực hiện chỉnh trang đô thị khu du lịch (Khu 203, Cây Dừa, Phường cũ); (2) Đầu tư cải tạo Cống thoát nước C5 và hệ thống thoát nước trên địa bàn quận để đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt khi mưa to gây lụt cục bộ; (3) Tiếp tục triển khai, sớm hoàn thiện dự án tuyến đường bộ ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời có giải pháp đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường khu vực; (4) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đăng tải, chia sẻ thông tin trên không gian mạng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; (5) Sớm có kế hoạch sử dụng đất hai bên đường (tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường phía Tây ...) sau khi hoàn thành để tránh lãng phí, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thay mặt Tổ Đại biểu, đồng chí Đào Khánh Hà, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã tiếp thu ý kiến và đồng thời làm rõ một số nội dung mà cử tri quận Đồ Sơn quan tâm.

   3.3. 27/27 cơ sở kinh doanh tại khu 203 thuộc khu II, phường Vạn Hương cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm 

  Thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang đô thị khu du lịch theo Thông báo Kết luận số 360, ngày 24/11/2023 của Chủ tịch UBND thành phố - UBND quận Đồ Sơn đã rà soát hiện trạng và hồ sơ sử dụng đất của 27 cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Qua rà soát hiện trạng cho thấy, theo bản đồ đo đạc năm 1990 và sổ mục kê ruộng đất kèm theo, toàn bộ diện tích mà 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ đang sử dụng là bãi đá, đất có mặt nước ven biển do UBND phường Vạn Hương quản lý.

  Với sự vào cuộc khẩn trương, tích cực rà soát đầy đủ các quy trình, thủ tục, giấy tờ liên quan của từng thửa đất, UBND quận Đồ Sơn đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với các hành vi vi phạm như “Chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực đô thị” và Quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; Buộc đối tượng vi phạm phải di dời tài sản; tháo dỡ hoặc phá dỡ công trình, vật kiến trúc trên đất vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn chiếm theo quy định”.

  Đến thời điểm 11h30’’ ngày 25/6/2024, 100% trường hợp vi phạm (27/27 hộ) đã đồng thuận, ký cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình và tài sản ra khỏi khu vực vi phạm.

  III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 07/2024 

1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và quận trong tháng 7 năm 2024 ( Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 01/7; Ngày Thương binh Liệt sỹ Việt Nam 27/7; Ngày Thành Lập Công đoàn Việt Nam 28/7;…)

2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận 6 tháng đầu năm; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. 

  3. Tăng cường nắm bắt và triển khai định hướng thông tin về các lĩnh vực như: Công tác giáo dục - đào tạoCông tác chỉnh trang khu du lịch Đồ Sơn theo chỉ đạo của Thành phố; Công tác quản lý đô thị; giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; Công tác quản lý Nhà nước về du lịch; Công tác tổ chức Lễ Hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2024;…

  4. Tiếp tục triển khai nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những vấn đề được dư luận quan tâm như: Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận; công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kết quả kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội; danh mục các công trình phấn đấu khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 và 70 năm giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2025) và những vấn đề phát sinh, đột xuất, phức tạp có thể diễn ra tại địa phương, đơn vị. 

5. Tăng cường tuyên truyền, thông tin thường xuyên, liên tục, đầy đủ về chủ trương của Trung ương, Thành phố và của quận. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội trong Nhân dân và trên các trang mạng xã hội các thông tin trái chiều, xấu, độc trên các trang mạng xã hội để kịp thời đấu tranh, phản bác, ngăn chặn.

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0