I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Kết quả bầu cử Tổng thống Nga 2024:
Cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra từ ngày 15 đến 17/3/2024. Lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức trong 3 ngày và áp dụng cả hình thức bỏ phiếu điện tử. Có 4 ứng cử viên tham gia bầu cử, gồm ông Vladislav Davankov của đảng “Những con người Mới”, ông Leonid Slutsky của đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) và đương kim Tổng thống Vladimir Putin - người ứng cử với tư cách ứng cử viên độc lập.
Kết quả thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều dự báo. Ngày 21/3, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do Uỷ ban bầu cử trung ương Nga công bố ngày 21/3, tổng cộng có 76.277.70803/04/2024 công dân đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2024. Như vậy, ông Putin đã giành chiến thắng với tỷ lệ áp đảo lên tới 87,28% phiếu bầu. Trước đó, ông Putin đã 4 lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống Nga vào các năm 2000, 2004, 2012 và 2018.
Tổng thống Putin đồng thời cảm ơn tất cả những người tham gia bỏ phiếu bầu cử tổng thống và nhấn mạnh rằng mọi lá phiếu của người dân Nga trong cuộc bầu cử đều có tầm quan trọng rất lớn. Cuộc bầu cử được tổ chức thành công cho thấy nước Nga là một gia đình lớn và thân thiện.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga lần này, có 41 phiếu bầu không hợp lệ, chủ yếu là ở những nơi có nhiều người tái định cư. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã nhận được hơn 14.000 đơn khiếu nại, hơn một nửa là từ nước ngoài.
2. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ:
Việt Nam đề nghị Trung quốc tôn trọng và tuân thủ các hiệp định về phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trong vịnh Bắc Bộ theo hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000 và UNCLOS 1982.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia tiếp giáp vịnh Bắc Bộ. Ngày 25/12/2000, hai nước đã ký Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cho rằng, các quốc gia ven biển cần tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 khi xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, đảm bảo không ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế phù hợp với UNCLOS. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ các hiệp định về phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trong vịnh Bắc Bộ theo hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000 và UNCLOS 1982. Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6/6/1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15/5/1996 của Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.
3. Chuyến thăm của Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia từ ngày 05/3 – 11/3
Ngày 05/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay Melbourne, bang Victoria, Australia tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia có chủ đề “Đối tác cho tương lai” là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021.
Trong chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến với lãnh đạo cấp cao nhất của Australia; dự diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Australia; tham quan triển lãm các dự án đầu tư tại Việt Nam; làm việc với một số hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Australia; thăm một số cơ sở kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học của Australia. Thủ tướng Chính phủ dành thời gian gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Australia; gặp gỡ đại diện Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam - Australia.
Cùng với đánh giá những bước phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Australia, hai bên sẽ định hướng hợp tác thời gian tới, hướng tới việc đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Trong đó nhấn mạnh các mục tiêu hợp tác thương mại, đầu tư; đặc biệt là mở rộng hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh…Nhân dịp này, hai bên sẽ ký kết, trao đổi nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông lâm ngư nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tư pháp, tài chính, thương mại, đầu tư...
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
1. Thông tin tình hình trong nước
1.1. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Phần Lan
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến 26/3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan đến một nước ngoài khu vực châu Âu kể từ khi nhậm chức. Việc Việt Nam là điểm đến duy nhất trong chuyến công du cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan. Chuyến thăm góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan, thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan nghị viện; đồng thời là hoạt động trao đổi cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan phát triển tốt đẹp. Kinh tế-thương mại-đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương, với nhiều thành quả nổi bật. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 375,7 triệu USD. Tính đến hết tháng 12/2023, đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam đứng thứ 58 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 35 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 46,78 triệu USD. Hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch, giáo dục đào tạo được đẩy mạnh thời gian gần đây, phù hợp thế mạnh và nhu cầu của hai bên.
Việc tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho thăm chính thức Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan. Đồng thời, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, đưa hợp tác nghị viện ngày càng hiệu quả, thực chất; tạo đà mở rộng quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Trên cơ sở nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp không ngừng được củng cố và vun đắp trong 50 năm qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho góp phần tạo nên những thành công trong giai đoạn phát triển mới của quan hệ hai nước.
1.2. Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam
Chiều 19-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam nhân dịp bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam. Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ và Đại sứ quán Hàn Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc; vui mừng khi hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thủ tướng cho rằng hai bên cần tăng cường quan hệ chính trị và hợp tác trên các lĩnh vực phát triển tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt; duy trì các cơ chế hợp tác hiện có cũng như thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc”.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển ổn định theo hướng cân bằng, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh như công nghiệp văn hóa, điện tử, đóng tàu và các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, AI....; xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đại sứ Choi Young Sam mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và công dân Hàn Quốc nói chung kinh doanh thành công, sinh sống ổn định tại Việt Nam, qua đó góp phần đẩy mạnh hợp tác hai nước, nhất là về kinh tế và giao lưu nhân dân. Về việc này, Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan Chính phủ và địa phương Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, lắng nghe ý kiến để cùng phía Hàn Quốc đưa ra các giải pháp triển khai các mục tiêu chung một cách hiệu quả nhất, đạt được lợi ích của cả hai bên trên tinh thần tin cậy và chia sẻ. Thủ tướng cũng đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục mở rộng giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác du lịch; hỗ trợ đào tạo và tăng cường tiếp nhận lao động chất lượng cao của Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam yên tâm sinh sống, học tập và làm việc lâu dài tại Hàn Quốc. Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025. Đại sứ Choi Young Sam nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung; khẳng định sẽ nỗ lực hết sức đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc trong nhiệm kỳ tại Việt Nam.
1.3. Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tổ chức vào ngày 27/6 và 28/6
Ngày 22/3/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/3/2024 về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó:
- Ngày 26/6/2024, Thí sinh làm thủ tục dự thi.
- Sáng 27/6, thí sinh dự thi Ngữ văn, chiều thi Toán.
- Ngày 28/6, sáng thí sinh làm bài thi tổ hợp, chiều thi ngoại ngữ.
- Ngày 29/6, là ngày thi dự phòng.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1 Hải Phòng thông qua các nghị quyết về phát triển đô thị tương lai
Ngày 22/3, HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức Kỳ họp thứ 14 (chuyên đề).
Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về "Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các đề án, chương trình, dự án phát triển đô thị thành phố trong thời gian tới. Theo chương trình này, từ nay đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm phát triển của vùng, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Cùng với đó, thành phố tập trung đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao chất lượng đô thị trên địa bàn, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc văn hóa, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, kết nối với khu vực và thế giới. Việc phát huy giá trị của đô thị lịch sử, tôn vinh giá trị văn hóa con người Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành thành phố tiêu biểu của châu Á với các tính chất nổi trội như phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics được Nghị quyết nhấn mạnh.
Cũng trong Kỳ họp, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án phát triển TP. Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu". Nghị quyết nhằm phát triển kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng, phát triển bền vững đô thị thông qua gói đầu tư tích hợp đa lĩnh vực, tập trung vào kết nối đô thị và liên kết vùng, đảm bảo bền vững về môi trường, an ninh, nguồn nước và giảm ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cấp không gian công cộng và nâng cao năng lực chống chịu của đô thị.
Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh thành phố và công tác nhân sự theo luật định.
2.2. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Hà Lan và thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực cảng biển và logistics
Chiều 20/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng có cuộc gặp mặt xã giao với Đoàn công tác Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan do Ngài Mark Harbers, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Hải Phòng, là địa phương lớn thứ 3 cả nước, Hải Phòng hiện đang sở hữu các lợi thế về cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường bộ có tính kết nối tốt giữa các địa phương. Bên cạnh đó, thành phố cũng chào đón và dành ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các Khu kinh tế tại địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Phòng đã đạt 30 tỷ USD, với hơn 800 dự án đến từ 43 quốc gia. Trong đó, Hải Phòng hiện có 16 dự án FDI của Hà Lan với tổng vốn đầu tư đạt hơn 302 triệu USD, đứng thứ 10 về số vốn FDI tại Hải Phòng và thứ 9 về số dự án. Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn, qua buổi gặp mặt, Ngài Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan sẽ quan tâm và kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan đến thăm và đầu tư vào thành phố.
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Hà Lan trong lĩnh vực đóng tàu và xây dựng cầu cảng tại khu Bến cảng Lạch Huyện, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các doanh nghiệp Hà Lan sẽ đến đầu tư vào lĩnh vực logistics và cảng biển, cụ thể là khu Bến cảng Nam Đồ Sơn
2.3. Hải Phòng được bổ sung thêm 926,6 tỷ đồng từ vượt thu hoạt động xuất nhập khẩu
Tại Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, HĐND thành phố đã xem xét, biểu quyết và thống nhất thông qua 12 Nghị quyết, đây là những Nghị quyết hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố Quốc phòng - an ninh thành phố.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng được thông qua tại Kỳ họp này, đó là Phương án sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù năm 2022.
Theo thông tin từ Cục Hải quan thành phố, năm 2022 thành phố Hải Phòng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67.806 tỷ đồng, vượt 20,6%, tương ứng vượt 11.876 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao (55.930 tỷ). Từ kết quả này, theo quy định tại Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 của Chính phủ về Quy định cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 để thưởng vượt thu dự toán và đầu tư trở lại cho địa phương tổng số tiền 926,6 tỷ đồng. Đây chính là nguồn vốn bổ sung quan trọng để thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai, thực hiện các kế hoạch đầu tư công, chính sách phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố đã thống nhất thông qua phương án phân bổ chi đầu tư công số tiền 896,6 tỷ đồng và 30 tỷ đồng chi bổ sung nguồn vốn ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay giải quyết việc làm nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Việc sử dụng 896,6 tỷ đồng để chi đầu tư công theo quy định sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc thực hiện Nghị quyết 09 – NQ/ĐH ngày 15/10/2020 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó có nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc chi ngân sách và ưu tiên nguồn lực cho các chương trình, dự án, công trình trọng điểm…
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quý I/2024
- Giá trị sản xuất công nghiệp: Tháng 3 đạt 88.600 triệu đồng, 3 tháng đạt 226.200 triệu đồng đạt 22,4% kế hoạch, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản: Tháng 3 đạt 63.851 triệu đồng, 3 tháng đạt 204.297 triệu đồng đạt 26,2% kế hoạch, bằng 97,2% so với cùng kỳ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 3 đạt 320.000 triệu đồng, 3 tháng đạt 1.020.000 triệu đồng đạt 35,2% kế hoạch, tăng 36,7% so với cùng kỳ.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận: Tháng 3: 41.150 triệu đồng; lũy kế 3 tháng: 92.888 triệu đồng, đạt 27,3% DTTP; 27,3% DTHĐND quận, bằng 154,7% so với cùng kỳ.
- Tổng chi ngân sách trên địa bàn quận: Tháng 3: 35.640 triệu đồng; lũy kế 3 tháng: 77.258 triệu đồng, đạt 17,7% DTTP; bằng 88,5% so với cùng kỳ.
- Tổng lượt khách du lịch: Tháng 3 đạt 305.000 lượt khách, 3 tháng đạt 861.000 lượt khách, đạt 22,66% kế hoạch, tăng 57,98% so với cùng kỳ.
3.2. Sáng ngày 26/3/2024, Ban Thường vụ Quận uỷ Đồ Sơn họp nghe báo cáo của Uỷ ban nhân dân quận về việc tổ chức cưỡng chế thực hiện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường nối từ đường bộ ven biển đến ngã bà Vạn Bún; xử lý vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng… để chỉnh trang đô thị khu du lịch.
* ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐƯỜNG NỐI TỪ ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN ĐẾN NGÃ BA VẠN BÚN:
UBND quận đã triển khai công tác thu hồi đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB; đến nay, công tác bồi thường GPMB thực hiện dự án đã cơ bản hoàn thành; tuy nhiên, CÒN 15 HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng sau khi được UBND quận, UBND các phường: Vạn Hương, Minh Đức đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục (Phường Vạn Hương: 06 hộ gia đình, cá nhân; phường Minh Đức: 09 hộ gia đình, cá nhân).
Căn cứ Điều 71 Luật Đất đai năm 2013, Thông tư 30/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; UBND quận thực hiện trình tự, thủ tục ĐỂ TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT ĐỐI VỚI 15 TRƯỜNG HỢP TRÊN (phường Vạn Hương: 06 trường hợp; phường Minh Đức: 09 trường hợp).
* ĐỐI VỚI XỬ LÝ VI PHẠM QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, TRẬT TỰ XÂY DỰNG … ĐỂ CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ KHU DU LỊCH
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 133/TB-VP, ngày 22/5/2023, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về hiện trạng quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tên địa bàn quận Đồ Sơn; Thông báo số 360/TB-VP, ngày 24/11/2023, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi kiểm tra thực địa về công tác quản lý tài sản đất đai, làm việc với một số hộ dân liên quan và triển khai một số dự án trên địa bàn quận Đồ Sơn; UBND quận Đồ Sơn đã rà soát các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định, những vướng mắc và đề xuất chủ trương cưỡng chế xử lý vi phạm để chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch tại Khu Vạn Tác (thuộc Khu I, phường Hải Sơn); Khu 203, Khu Cây Dừa và Khu Phường cũ (thuộc Khu II, phường Vạn Hương), cụ thể:sẽ thực hiện cưỡng chế vi phạm đất đai đối với 67 hộ, trong đó:
+ Khu Vạn Tác (thuộc Khu I, phường Hải Sơn): 36 hộ;
+ Khu 203, Khu Cây Dừa, Khu Phường cũ (thuộc Khu II, phường Vạn Hương): 31 hộ;
+ Khởi kiện ra toà đối với 45 hộ ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng, Giấy phép sử dụng mặt bằng với UBND thị xã Đồ Sơn, UBND phường (41 Hợp đồng thuê mượn mặt bằng; 04 Giấy phép sử dụng mặt bằng).
3.3. Kế hoạch tổ chức các hoạt động Liên hoan du lịch năm 2024
- Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố
+ Thời gian: Từ 19h30’, ngày 27/4/2024 (Thứ Bảy)
+ Địa điểm: Sân khấu Tuyến đường đi bộ, Khu II Đồ Sơn.
- Ngày hội trình diễn diều nghệ thuật
+ Thời gian: Từ 8h00’ - 17h00’, ngày 30/4/2024 (Thứ Ba)
+ Địa điểm: Bãi biển du lịch Vụng Hương, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
- Chương trình nghệ thuật Liên hoan du lịch 2024 “Đồ Sơn – Điểm đến 4 mùa”
+ Thời gian: Từ 20h00’ – 21h30’, ngày 30/4/2024 (Thứ Ba)
+ Địa điểm: Quảng trường Biển, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
- Tổ chức giải Golf Du lịch mở rộng tại sân Golf Đồi Rồng do Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương chử trì thực hiện
+ Thời gian: Ngày 04/5/2024 (Thứ Bảy)
+ Địa điểm: Sân Dragon Golf Links (Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng).
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 04/2024
1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và quận trong tháng 4; các hoạt động Liên hoan du lịch quận Đồ Sơn năm 2024.
2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận trong Quý I; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ Quý II năm 2024. Tiếp tục tuyên truyền, phát động Cuộc thi Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới lần thứ tư.
3. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; các chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và dự kiến thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố.
4. Hướng dẫn triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo Hướng dẫn số 64-HD/BTGQU ngày 20/3/2024 của Ban Tuyên giáo Quận uỷ.
5. Tiếp tục triển khai nắm tình hình dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những vấn đề được dư luận quan tâm như: Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận; công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kết quả kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội; danh mục các công trình phấn đấu khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 và 70 năm giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2025) và những vấn đề phát sinh, đột xuất, phức tạp có thể diễn ra tại địa phương, đơn vị.
6. Tăng cường tuyên truyền, thông tin thường xuyên, liên tục, đầy đủ về chủ trương của Trung ương, Thành phố và của quận. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội trong Nhân dân và trên các trang mạng xã hội các thông tin trái chiều, xấu, độc trên các trang mạng xã hội để kịp thời đấu tranh, phản bác, ngăn chặn.