Người dân hưởng lợi từ ứng dụng kết nối dữ liệu dân cư, hướng đến Chính phủ số, công dân số
Người dân hưởng lợi từ ứng dụng kết nối dữ liệu dân cư, hướng đến Chính phủ số, công dân số
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), nhiều dịch vụ công trực tuyến được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao.
Có thể kể đến như thông báo lưu trú đạt tới gần 99%; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông đạt gần 85% tăng 12,46% so với tháng 2. Thủ tục con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu đạt 94,2%.
Việc thí điểm 2 dịch vụ công liên thông tại Hà Nội và Hà Nam tiếp tục được người dân đồng tình, ủng hộ. Qua thống kê ban đầu ước tính đã tiết kiệm 11,37 tỷ đồng cho Nhà nước từ những thủ tục này.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: những giá trị mới được tạo lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 tiếp tục lan tỏa, cụ thể hóa tới từng bộ, ngành, địa phương.
Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Đề án 06 này, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị mới cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử như, việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền của 10.076 doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh với 1,7 triệu hóa đơn đã giúp Chính phủ truy thu được 49,7 tỷ đồng tiền thuế.
Hay như xác thực, làm sạch 18 triệu thông tin tín dụng, giúp cho ngành ngân hàng tiết kiệm 333 tỷ đồng; xác thực 95,56 triệu thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư (hiện đang triển khai tại 3 ngân hàng) giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp nhanh chóng, qua đó góp phần làm giảm tội phạm “tín dụng đen”.
Công tác cấp Căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử tiếp tục được Công an các địa phương đẩy mạnh. Tính đến ngày 25/3, đã thu nhận 23,5 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử (tăng 1,3 triệu hồ sơ so với tháng trước đó), trong đó phê duyệt 21,7 triệu hồ sơ (tăng 1,3 triệu hồ sơ so với tháng trước đó, đạt 92,2% so với tổng hồ sơ thu nhận); có 5,7 triệu tài khoản đã được kích hoạt trong tháng 3.
Hiện, Bộ Công an đã cấp 79,4 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip cho công dân. Đặc biệt, có 6 đơn vị cấp xã của tỉnh Hà Nam, Hải Phòng và Hà Tĩnh đã hoàn thành cấp 100% Căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Trong ngày 29/3, Công an tỉnh Hà Nam còn cho biết, có thêm 4 xã đã "phủ kín" cấp Căn cước công dân gắn chip cho người dân gồm xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân; xã Mộc Nam và Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên và phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.
Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước và 63/63 địa phương, qua đó tiếp tục tạo lập nên những giá trị mới phục vụ xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số…
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và công tác tuyên truyền
Về hoàn thiện thể chế, đối với Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hiện Bộ Công an đang tiếp thu, giải trình và báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ trước khi ký ban hành. Đối với Dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ về việc lập Hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi vào ngày 20/3/2023.
Về kết quả thực hiện các dịch vụ công: Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao (như Thông báo lưu trú, đạt 98,6%; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông, đạt 84,6%)... Bộ Công an (C06) đã tích hợp VNeID trên cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ...
Đối với dịch vụ công “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình và thống nhất mô hình, cách thức triển khai kết nối, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai (còn 1 địa phương đang thực hiện kết nối, sẽ hoàn thành cuối tháng 3/2023), phát sinh 3.850 hồ sơ (tăng 1.300 hồ sơ so với tháng 02/2023).
Đối với dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe: Tính đến ngày 28/3/2023, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận đề nghị phê duyệt gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe của 1.319 cơ sở khám chữa bệnh (đã phê duyệt 1.166 cơ sở); tiếp nhận tổng số 68.884 dữ liệu giấy khám sức khỏe hợp lệ của 779 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc để triển khai dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải, đến 27/3/2023, đã có 1.237 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 71%.
Về công tác tuyên truyền, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các phóng sự tuyên truyền về các nội dung liên quan đến việc triển khai Đề án 06; phối hợp với công ty cổ phần Marketing Mặt Trời Vàng (Goldsun) tuyên truyền Đề án 06 dưới nhiều hình thức (màn hình LED, màn hình sân bay...).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp thông tin di động hỗ trợ miễn phí dịch vụ SMS đối với một số nội dung triển khai Đề án 06.
Bộ Tài chính đã tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (kê khai, nộp thuế trên VNeID; hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam) trên các báo, đài phát thanh.
Nỗ lực thực hiện cấp Căn cước công dân chip phục vụ người dân
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân, Cục C06, Công an các đơn vị địa phương đã triển khai chiến dịch 90 ngày đêm, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đúng kế hoạch đề ra.
Để thực hiện hiệu quả "chiến dịch" ngoài làm thêm giờ hành chính, cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương còn thực hiện thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân cho nhân dân vào cả thứ 7, Chủ nhật và xử lý hồ sơ vào cả ban đêm theo phương châm "hết việc chứ không hết giờ".
Đối với các huyện miền núi cao, nghèo và khó khăn mới triển khai, lực lượng công an các địa phương đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền rộng rãi trong toàn dân, nên phần lớn các công dân đã hiểu ý nghĩa, mục đích của việc cấp thẻ Căn cước công dân. Khi có thông tin tuyên truyền về việc thực hiện các thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, đặc biệt sẽ ưu tiên làm trước cho người già, người tàn tật.... người dân ủng hộ, đến trụ sở Công an để thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.
Để bảo đảm triển khai thực hiện thành công "Chiến dịch" cấp thẻ Căn cước công dân, lực lượng Công an còn triển khai cấp Căn cước công dân lưu động tại các trụ sở cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang, tại các trường học, khu công nghiệp...
Dù trước mắt, vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực và vật lực nhưng lực lượng Công an quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ đúng theo tiến độ kế hoạch đã đề ra.