TIN MỚI

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Lễ hội

Lễ hội

1. Lễ hội chọi trâu:

Từ xưa đến nay, lễ hội chọi trâu là lễ hội lớn nhất của nhân dân Đồ Sơn. Lễ hội chọi trâu bắt đầu từ mồng 1 tháng 8 âm lịch đến hết ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Nhưng trên thực tế, từ chiều ngày 29 tháng 7 cho đến hết ngày 30 tháng 7 âm lịch, nhân dân đã rước bát hương đá từ đền Nghè, nơi thờ thần Điểm Tước tới đình Công để thờ suốt trong 15 ngày hội.

Lễ hội chọi trâu chỉ là một mắt xích trong lễ hội Đồ Sơn. Tuy chỉ là một khâu của hội nhưng chọi trâu lại là khâu chủ yếu, là trung tâm của hội Đồ Sơn.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Đồ Sơn có 3 xã: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên. Hai xã Đồ Sơn và Đồ Hải mỗi xã có 6 giáp, toàn tổng Đồ Sơn có 14 giáp. Theo quy định thi đấu thì mỗi giáp phải có 1 trâu, nhưng trong ngày chọi chính thức (9-8) thì chỉ có 6 trâu dự đấu. Việc quy định mỗi giáp phải góp 1 trâu vừa nhằm mục đích tuyển chọn trâu tốt tham gia thi đấu , vừa có yêu cầu sau khi thi đấu mỗi giáp đều phải có trâu giết thịt chia cho người trong giáp.

Vào khoảng trung tuần tháng 5, người ta tiến hành vòng loại thứ nhất, 6 trâu chọn lấy 3. Đến ngày mồng 8 tháng 6, đấu loại vòng hai. Đồ Hải 6 trâu chọn lấy 2. Ngọc Xuyên 2 trâu chọn lấy 1. Những vòng đấu loại này chỉ tiến hành ở các giáp để chọn ra 6 trâu hay nhất thi đấu vào ngày Hội mồng 9 tháng 8 âm lịch. Do đó mới có câu ca để nhắc nhở nhau:

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu.

Như vậy, Hội chọi trâu diễn ra chỉ có 1 ngày, nhưng người Đồ Sơn đã phải chuẩn bị cho ngày Hội tưng bừng đó hết sức công phu, tỉ mỉ trong vòng 8 tháng. Đó là các việc tìm chọn và nuôi dạy trâu chọi. Thường thì sau Tết âm lịch, các giáp ở Đồ Sơn tự nguyện góp tiền và cử người có kinh nghiệm, am hiểu đi các nơi tìm chọn mua trâu. Trước khi đi, giáp nào cũng làm lễ tế thần cầu mong mua được trâu tốt. Vinh dự cho những người được giáp tín nhiệm làm việc này (thường là cử ra 2 người có kinh nghiệm nhất). Cũng vì vậy mà người được cử đi mua trâu không tiếc công sức và không quản đường sá xa xôi có khi phải lặn lội hàng tháng trời vào Thanh Hóa, Nghệ An, ra Nam Định, Thái Bình, ngược lên Tuyên Quang, Bắc Cạn, rồi lại về Thái Bình, sang Thủy Nguyên… mới tìm được trâu vừa ý. Kinh nghiệm của người Đồ Sơn qua nhiều lần thi đấu cho hay rằng những trâu mua được ở chợ Gồi - Nam Định, Thủy Nguyên - Hải Phòng, Thanh Hà - Hải Dương thường hay giữ giải. Trâu chọi trước hết phải là trâu đực khỏe. Trâu khỏe là những trâu có "cổ cò, đít nhót, đuôi chai", "trường đùi, ngắn quản", "nhỏ kheo, kín móng"…

Trâu chọi khỏe nhưng lại phải chịu được đòn của đối phương, nghĩa là phải gan. Thường thì những trâu "da đồng", "lông móc", "một khoang bốn khoáy", "hàm đen", "tóc tráp", "thâm cu, chéo dái" là trâu gan. Trâu cổ cò cúi đầu không biết mỏi, đặc biệt tránh mua trâu "cổ vại" vì loại này ít chịu cúi đầu.

Những trâu to lớn, ức nở rộng, háng to, cổ tròn, khỏe, dài, hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng trâu cong, dầy, có thể để bát nước đầy trên lưng không đổ là trâu tốt, háng và hông trâu rộng nhưng hơi thu nhỏ về phía sau, đuôi trâu tròn, chắc, to và thu nhỏ dần về phía cuối đuôi.

Sừng trâu phải đen như mun, hai đầu giao nhau vòng như hình cánh cung, hoặc sừng lệch. Đầu trâu có túm tóc hình chóp, trên đỉnh có khoáy tròn, giữa hay thùy trán có hai khoáy. Những trâu mắt ngựa là trâu chọi hay: mắt đen, tròng mắt đỏ. Hàm trâu phải là hàm nghiên hoặc hàm son, răng trâu phải đề đặn, không bị sứt mẻ là trâu tốt.

Trên thực tế, không thể chọn được trâu chọi có đầy đủ các tiêu chuẩn nói trên. Người ta buộc phải bỏ qua những tiêu chuẩn không quan trọng lắm hoặc trong quá trình nuôi dạy sẽ tạo ra một số tiêu chuẩn cho nó.

Người Đồ Sơn thường thích những trâu trên thân có 4 khoáy hoặc hai khoáy giao nhau, chân ngắn, mập, đầu gối có lông, giống trâu rừng.

Việc chọn mua trâu đã khó khăn, việc chăm sóc, huấn luyện trâu còn khó khăn hơn. Đàn bà con gái không được tham gia vào việc chăm sóc trâu. Những người được giáp cử ra nuôi dạy trâu thường là những ngưởi có kinh nghiệm lâu năm hoặc là lần lượt phân cho những người có kinh nghiệm. Có trường hợp mua được trâu rẻ, thừa tiền, giáp có thể cử một người nào đó đã làm nghĩa vụ nuôi rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ của giáp. Số tiền thừa được giao cho người nuôi dạy nhằm động viện việc chăm sóc trâu tốt.

Người được trao nhiệm vụ nuôi dạy trâu coi đây là vinh dự và trách nhiệm lớn đối với làng xã nên hết sức tận tâm nuôi dạy trâu béo khỏe. Trâu chọi được nuôi riêng, không nhốt chung với trâu nhà, được chăm riêng và tránh không cho nó nhìn thấy trâu cày, làm thế để phục hồi tính hoang dã, đơn độc của nó.

Bước vào thời kỳ tập luyện, chế độ ăn của trâu được tăng lên : cỏ được trộn thêm một lượng cám nhỏ. Người ta lấy nước giếng Rồng cho trâu uống một ngày 2 lần. Lượng dinh dưỡng trong thức ăn của trâu được tăng lên cho tới ngày trâu bước vào sới chọi.

Trâu được huấn luyện ở các giáp. Sới luyện trâu của giáp nào do giáp ấy dựng, thường là một bãi đất rộng. Thời gian tập chọi vào đầu tháng 5. Mỗi buổi chiều sau khi trâu được ăn no đủ, người ta đưa trâu vào sới tập chọi. Mọi người đứng kín vòng quanh đánh chiêng, đánh trống, vỗ tay, múa cờ hò reo… Người ta còn phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu, ghé sát chiêng trống vào tai trâu mà đánh, mục đích làm cho trâu quen dần với không khí ồn ào của ngày Hội.

Có giáp còn đưa một con trâu khác tới cho trâu chọi tập đánh để tìm những nhược điểm của trâu chọi mà huấn luyện tiếp. Người huấn luyện trâu giúp trâu có được miếng đánh hay nhất nhằm quật ngã đối thủ. Cũng qua việc huấn luyện trâu, con người còn phát hiện được sở trường của trâu chọi mà vót sừng kiểu "mũi đinh" hay "mũi khế".

Vào ngày Hội chỉ có 6 trâu thi đấu. Theo quy định của địa phương lúc bấy giờ, xã Đồ Sơn có 3 trâu thắng cuộc: nhất, nhì, ba. Xã Đồ Hải được 2 trâu thắng cuộc: nhất, nhì. Xã Ngọc Xuyên được 1 trâu nhất đi chọi chung kết.

Sáu trâu chọi chia thành 3 cặp đấu: người Đồ Sơn gọi là "3 kháp" (mỗi kháp là một trận đấu). Người ta lại lấy trâu nhất của Ngọc Xuyên gộp với trâu nhất và trâu nhì của Đồ Hải thành một đơn vị thi đấu. Sau khi gộp lại thì trật tự được sắp xếp như sau:

- Trâu nhất của Ngọc Xuyên bây giờ đứng ở vị trí thứ hai.

- Trâu nhì của Đồ Hải sẽ đứng ở vị trí thứ 3.

Người ta lý giải quyền ưu tiên này dành cho người Đồ Sơn vì Đồ Sơn là xã lớn nhất., xã đứng đầu hàng tổng.

Thể thức chọi:

Đầu tiên chọi 3 kháp. Trâu nhất Đồ Sơn chọi với Trâu nhất Đồ Hải, trâu nhì và trâu ba của hai giáp cũng đấu với nhau ở 2 kháp sau. Sau khi thi đấu xong 3 kháp, ba trâu thua cuộc bị loại, còn 3 trâu thắng. Lẽ ra phải đấu 2 kháp nữa để chọn trâu nhất, nhì, ba có nghĩa là trâu thắng ở kháp thứ nhất phải chọi luôn với trâu thứ 3 đang được nghỉ. Nhưng người Đồ Sơn nói rằng, trâu đã hay, dẫu nếu nó có đấu tiếp luôn hiệp 2 với trâu thứ 3, nó vẫn có khả năng giành giải nhất mà không biết mệt mỏi.

Tới ngày Hội, người từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… nô nức kéo về Đồ Sơn. Thời Pháp thuộc, Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc kỳ, công sứ các tỉnh đều đưa vợ con về Đồ Sơn xem chọi trâu. Ngoài việc xem chọi trâu, người ta còn mở sòng bạc để sát phạt nhau. Tổ chức cá cược đã khiến cho nhiều người mất gia sản, ruộng vườn vì thua cược.

Một khi trâu đã thành trâu chọi, mọi người đều gọi 1 cách tôn kính là "ông trâu". Trong không khí lễ hội cầu mong Thành Hoàng làng phù hộ cho trâu làng mình đoạt giải, từ sáng sớm ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm, sân đình của 3 xã Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên đã đầy ắp người cùng với kiệu bát cống, long đình, bát bửu, tàn lọng, cờ xí, đèn nhang để chuẩn bị rước kiệu về đình Chung, rước trâu về sới chọi chung kết.

Lễ vật tế, rước do dân của 14 giáp đóng góp. Mỗi giáp góp 1 trâu, 1 lợn, 1 thúng thóc nếp để lấy gạo thổi xôi.

Dẫn đầu đám rước là lá cờ ngũ phương, bộ bát bửu, đội bát âm, xênh tiền, kèn trống rồi đến chiếc kiệu lớn do 16 trai làng khỏe khiêng. Tiếp theo là 6 trâu chọi đã được tắm rửa nước thơm, trên mình trâu và đầu trâu có buộc nhiễu điều kết hoa. Kèm theo trâu là 12 chàng trai đi 2 bên, toàn bộ y phục của họ một màu đỏ rực rỡ: đầu chít khăn đỏ, người mặc quần áo đỏ, tay cầm cờ đỏ.

Sau khi tất cả các đám rước đã tập trung ở sân đình Công, cuộc tế bắt đầu.

Mở đầu cho lễ hội chọi trâu là lễ tế thần Điểm Tước - tức thần viết chân chim Sẻ. Lần tế thần ngày chọi trâu cũng là lần tết lớn nhất của mọi lần tế trong năm vì thần Điểm Tước là thành hoàng chung của cả tổng. Lễ diễn ra rất trang nghiêm, cuộc tế xong người ta dẫn trâu ra sới chọi. Để tránh cho trâu khỏi nắng, mỗi trâu được che một lọng đen.

Sới chọi là một bãi đất rộng và phẳng, rộng ước chừng 2ha ở trước ngôi đình Công. Xung quanh sới chọi, người ta cắm cọc hàng rào và trang trí cờ hoa gây không khí sôi nổi, tưng bừng của ngày hội. Bốn mặt đường viền sới chọi có nhiều gióng giáo cho khách đứng xem. Đặc biệt trên một khoảng đường của đoạn giữa bên ngoài sới được trang trí đẹp. Đó là chỗ ngồi cho khách đại biểu về dự hội. Người đến xem chọi trâu đông quá phải ngồi trải ra sườn đồi phía tây của sới.

Trước khi vào thi đấu, người cầm loa thông báo trình tự các cặp trâu vào thi đấu.

Mở đầu hội chọi trâu là màn múa cờ do các chàng trai trẻ mặc áo nâu đỏ, chân quấn xà cạp đỏ thực hiện. Động tác múa hùng mạnh, dứt khoát, nhịp nhàng. Tay vung cờ, chân tiến hoặc lùi theo nhịp trống. Cứ 1 bên tiến 3 bước thì bên kia lùi 3 bước và ngược lại. Đội múa cờ biểu diễn 3 lần rồi rút ra khỏi sới chọi ( nay đội múa cờ là các thiếu nữ). Sau điệu múa cờ, tiếng loa gọi người dẫn trâu ra sới chọi.

Từ hai phía của sới chọi, người ta dẫn trâu ra. Đi đầu là một người cầm trống khẩu, tiếp đến là người dẫn trâu, người che lọng cho trâu và hai người múa cờ hai bên. Khi cách nhau khoảng 20m, người dắt trâu nhanh chóng rút "sẹo"trâu, rồi khẩn trương rút ra ngoài sới chọi. Không khí đấu trường như lặng đi. Bất thần 2 trâu lao vào nhau với tốc độ lớn. Hai đôi sừng đập vào nhau nghe chan chát. Người Đồ Sơn bảo đấy là tiếng Hổ lao. Hai trâu chọi nhau với tất cả sức lực của mình giữa tiếng reo hò vang dậy của đông đảo khán giả. Có kháp chỉ diễn ra dăm phút là phân thắng bại. Có kháp diễn ra gần tiếng đồng hồ mà vẫn chưa phân thắng bại. Thông thường, trong trận đấu, trâu nào khỏe, gan và lấy được nhiều cáng (nghĩa là đánh được nhiều miếng hay, miếng hiểm, gây tổn thương cho đối phương) thì chắc chắn là thắng cuộc. Có những trâu tuy thương tích đầy mình, rách da, chảy máu, mắt sưng nhưng vẫn gan lỳ chờ sơ hở của đối phương đánh đòn hiểm hóc, hoặc có trâu bị đối phương lấy cáng đã biết xoay dọc thân mình, chân khuỵu xuống đỡ đòn, khôn khéo đỡ cáng rồi lấy lại cáng đối phương. Những trâu như thế được người xem reo hò, cổ vũ không ngớt. Đang chọi mà trâu nào bỏ chạy 1 hay 2 bước là thua cuộc.

Cuối mỗi trận đấu là màn thu trâu hấp dẫn, đầy tính nghệ thuật và đầy tinh thần thượng võ không kém hồi hộp. Khi trâu thua bỏ chạy, trâu thắng hăng máu đuổi theo. Người bắt trâu phải giữu trâu thắng cuộc lại. Đây là việc làm nguy hiểm, đòi hỏi phải có lòng dũng cảm. Có trâu khỏe kéo lê người bắt nó hàng chục mét. Trong cuộc chọi trâu năm 1973, khi trâu thắng lao vào đuổi trâu thua, cụ Nguyễn Văn Ghẻ người Đồ Hải, 64 tuổi đã ra sới chọi trâu bắt trâu thắng. Tay trái cụ nắm một sừng trâu, hai vai đưa ra độn dưới cổ trâu rồi đứng thẳng dậy, buộc trâu đang chạy phải dừng lại, hai chân trước chơi vơi trên không. Sau đó cụ luồn dây thừng vào mũi trâu, dắt trâu đi một cách ngoan ngoãn. Cảnh tượng đẹp mắt này được truyền hình Nhật bản phát sóng đẫ làm sửng sốt hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ nước Nhật.

Hội chọi trâu kéo dài 5 kháp nên thường thì tối mới kết thúc. làng trao giải nhất, nhì, ba cho trâu đoạt giải. giải nhất trước đây được một khẩu phần xăm của hàng tổng là giải đáng kể hơn cả.

Kết thúc hội chọi trâu là cuộc rước trâu nhất về đình làm lễ tạ thần. Mọi người phấn khởi, kể cả xã có trâu thua cũng tham dự vào cuộc rước, biểu thị sự đoàn kết vô tư mừng ngày vui chung. Trâu nhất hàng tổng có phần thưởng là một lá cờ vóc hồng thêu 2 chữ "thượng đẳng" bằng chỉ kim tuyến, một bát hương bằng đá xanh ở đền Nghè đem theo đám rước trở về đình làng của mình. Hội làng tiếp tục đến ngày 16 tháng 8 âm lịch mới kết thúc. Người ta đổ bát mao huyết xuống ao làng để tống tiễn thần và rước bát hương trở lại đền Nghè.

Theo tập quán địa phương, ngày hôm sau, tức mồng 10 tháng 8, các trâu tham gia chọi dù thắng hay thua đều phải giết thịt - vật hiến tế - cúng đầu trâu, thịt sống để tạ ơn Thành Hoàng làng và xin cho mùa đánh cá sau, cho việc làm ăn năm tới sẽ đạt kết quả, may mắn hơn năm nay. Thịt trâu được chia đều cho dân làng, chỉ người đi mua, người nuôi trâu được một chút phần hơn, còn chức sắc, chức dịch cũng chỉ được chia đều, không có phần biếu. Như vậy là tục "quân phân thần huệ" của Đồ Sơn đã thể hiện dấu vết của nền dân chủ cộng đồng sơ khai.

Hội làng Đồ Sơn không chỉ có chọi trâu, mà còn có đánh cờ người, thi chọi gà, đánh vật, hát xẩm, hát giao duyên, hát chèo và nhiều trò tạp kỹ như đi kheo, hóa trang… Hàng tổng thuê phường chèo hát khoán nuôi cơm diễn từ tối mồng 1 đến mồng 8 để sáng hôm sau còn chọi trâu.

Hội chọi trâu ngày nay có điểm khác xưa : Số lượng trâu chọi đông hơn, năm 2000 là 24 trâu, năm 2002 là 30 trâu. Thể lệ quy định trâu thua nới rộng hơn. Hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2000 được Nhà nước coi là 1 trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước. Kể từ ngày Đồ Sơn khôi phục lễ hội chọi trâu đến năm 2000 là năm thứ 11 (1989-2000). Lần đấu loại vào thsngd 6 âm lịch đã loại ra 12 trâu, còn lại 12 trâu sẽ chọi vào ngày 9-8 âm lịch. Như vậy là phải chọi 11 kháp để chọn ra trâu nhất, nhì, ba. Giải nhất được 15 triệu đồng, giải nhì được 10 triệu đồng, giải ba được 5 triệu đồng.

Nguồn gốc hội chọi trâu của tổng Đồ Sơn (tức 8 vạn chài cổ) liên quan đến vị chủ thần hàng tổng là thần Điểm Tước. Thần hiệu này đã thấy ở sắc phong cho Thần năm Lê Đức Long (1634)… đến Tây Sơn, Nguyễn. Các bộ quốc chí triều Nguyễn đều ghi: "Điểm Tước là thủy thần, vì ban đêm dân địa phương qua đền thấy 2 trâu chọi nhau nên có tục chọi trâu để tế thần(Đại nam nhất thống chí). Xưa người trong ấp định lập đền thờ, đêm nằm mộng thấy thần bảo dựng đền ở núi Tháp… Hôm sau lên núi Tháp thấy có đàn chim sẻ lớn đến đậu ở đỉnh núi rồi bay đi, người dân ấy đến xem thấy có vết chân chim sẻ lớn cho là ứng với mộng mới báo với dân làng, dân theo đúng chỗ đó dựng đền thờ thần Điểm Tước (Đồng Khánh địa dư…, Hải Dương toàn hạt dư địa chí). Hai sách trên cũng ghi như "Đại nam nhất thống chí". Đêm 10-8 dân ấp qua đền thấy 2 trâu chọi để vui lòng thần. Sách này lại cho tục chọi trâu là tục của dân Đãn, một chủng người Mã lai chuyên nghề đánh cá biển. Dân chài Đồ Sơn di cư ra vòng Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh và vùng Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ cuối thế kỷ XV cũng thờ thần Điểm Tước như ở quên gốc.

Gần đây có người giải thích ĐIểm Tước là vết chân chim Công thì sai. Vì truyền ngôn và thần tích, thần sắc đều ghi là vết chân chim Sẻ. Chữ Tước là chim Sẻ, còn Khổng Tước mới là chim Công.

Gần đây có ý kiến không xuất xứ cho rằng: ngày xưa người Đồ Sơn làm nghề đánh cá thường bị thủy quái làm hại. Dân làng đến đền Nghè cầu nguyện, hứa hàng năm sẽ mổ trâu tạ lễ nếu thủy quái bị tiêu diệt. Sau một thời gian, bỗng một đêm trời nổi mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, biển nổi sóng dữ dội. Sáng ra thấy thủy quái chết trôi dạt vào bờ, trên cổ thủy quái có vết chân chim cấu, máu chảy lênh láng. Mọi người mới hay thần đã diệt thủy quái (cá dữ) trừ họa cho dân. Nơi cá dữ chết được gọi là dốc Mả Cá. Để giữ lời hứa với thần, người Đồ Sơn đi mua trâu về để mổ lễ tạ. Khi đưa trâu đến đền Nghè, chúng quay ra chọi nhau dữ dội. Dân làng cho rằng thần thích xem trâu chọi nhau. Từ đó có hội chọi trâu, dần thành tục lệ.

Tục chọi trâu Đồ Sơn có từ rất lâu, không rõ thời gian, tục chọi trâu của ngư dân Đồ Sơn khác cách tổ chức chọi trâu của miền nũi Phú Thọ - đất Tổ.

2. Hội thi bơi thuyền rồng:

Đồ Sơn trước kia, sau Tết Nguyên Đán vẫn có lệ bơi thuyền nhằm mục đích cầu cho người khỏe mạnh, mong cho trời yên biển lặng để đánh được nhiều cá, tôm. Do nhiều lý do, hội thi bơi thuyền rồng một thời gian không duy trì được, đến năm 1980 mới lại được khôi phục. Lúc đầu, các đội dự thi dùng thuyền nhỏ đánh cá của ngư dân. Năm 1995, Đồ Sơn có 3 thuyền rồng được đóng mới. Năm 2000 đóng thêm 2 thuyền nữa, tổng cộng là 5 thuyền. Thuyền dài 15m, rộng 0,90m, có xương sống thuyền và các xương ngang chống cho thuyền không bị lật trong khi bơi. Người ta làm đầu rồng bằng gỗ để lắp vào đầu thuyền mỗi khi đi thi bơi. Mỗi thuyền có 25 người , gồm 22 người ngồi bơi (mỗi bên 11 người), một người lái, 1 người đánh nhịp vào sàn thuyền và 1 người dự bị.

Ngày nay, Đồ Sơn tổ chức thi bơi thuyền rồng 2 lần trong một năm vào ngày mồng 4 sau Tết âm lịch và ngày 1-5 là ngày khai mạc mùa du lịch mới.

Địa điểm thi bơi thuyền có thể ở biển khu I hoặc khu II Đồ Sơn. Để chuẩn bị cho cuộc thi, người ta phải thả vọi làm mốc để cắm cọc tiêu (người ta buộc dưới phao 1 hòn đá to để giữ cho phao không bị trôi, làm như vậy gọi thả vọi). Trên cọc tiêu có cờ đỏ làm hiệu. Thả đủ tất cả 15 vọi cho 5 thuyền bơi thi. Đường đua thuyền khoảng 3km (bơi đủ 2 vòng là được 3km). 5 Thuyền thi là 5 đội mặc theo màu sắc để phân biệt ( xanh, đỏ, vàng, tím, trắng) Người dự bơi thuyền đầu đội khăn mỏ rìu, mặc áo nâu, thắt lưng đai ở bụng, quần cộc… Đều là thanh niên to khỏe, nhiệt tình, có kinh nghiệm đua thuyền.

Sau một thủ tục đơn giản ( tuyên bố lý do, giới thiệu cuộc thi) thid đến cuộc đua thuyền rồng trên sóng biển.Trống hiệu nổi lên 3 hồi 9 tiếng, báo chuẩn bị cuộc đua. Mọi thuyền đua về vị trí xuất phát chờ lệnh. Lệnh phát có thể dùng súng bắn hoặc phất cờ hiệu. Ở dưới nước có tầu trọng tài giám sát, tầu cứu sinh. Theo điều lệ cuộc đua, trước khi xuất phát, người cuối cùng của bên trái thuyền phải cẩm vào cái dây của cọc tiêu nơi xuất phát.

125 con người hướng về nơi phát lệnh, tâm trí họ dồn cả vào tay lái, mái chèo. Lệnh phát ra, thuyền đua phải vòng qua cọc tiêu từ phải sang trái, mũi thuyền không được đè lên cọc tiêu. nếu thuyền nào chạm phải điều này thì bị loại. Theo nhịp gõ chỉ huy, các tay bơi phải nhịp nhàng, đồng bộ đưa thuyền lướt nhanh trên sóng biển, đúng đường đua của đội mình. Để tạo ra không khí sôi nổi, náo động, ban tổ chức dùng loa phóng thanh tường thuật tại chỗ cuộc đua thuyền. Người đi xem bơi thuyền rồng đều hăng hái cổ vũ cho cuộc thi.Tiếng reo hò vang vọng mặt biển nơi đua thuyền. Thuyền nào đi đúng hai vòng (do quy định của BTC từng cuộc thi, có thể 2 hoặc 3 vòng…) về nơi xuất phát ban đầu trước các thuyền khác mà không vi phạm thể lệ là thắng cuộc. Sau đó các thuyền lần lượt vào bờ để nhận phần thưởng. Giải thưởng đua thuyền có nhất, nhì, ba và khuyến khích. Trước đây giải thưởng là vật phẩm có giá trị. Hiện nay, giải thường bằng tiền, cờ, hoa. Giải nhất 2 triệu đồng, giải nhì 1 triệu đồng… giải khuyến khích thưởng từ 5 đến 8 trăm ngàn đồng. Nói chung đã dự thi bơi thuyền là có thưởng. Các đội trở về liên hoan vui vẻ.

Ngày xưa, ngư dân Đồ Sơn thi bơi thuyền để cầu nước, cầu thời tiết thuận hòa, trời đẹp, cầu cho con người khỏe mạnh, cầu cho các mẻ lưới có nhiều tôm cá. Ngày nay thi bơi thuyền cũng không ngoài mục đích ấy và có thêm ý thức rèn luyện sức khỏe, mua vui cho cộng đồng, giới thiệu văn hóa với du khách.

Trong một vài năm gần đây, loại quần áo màu sắc dân tộc đã không được sử dụng cho các vận động viên tham gia đua thuyền nữa. Người ta đã thay những áo ấy bằng áo ngắn tay in mầu do các nhà tài trợ bỏ tiền trang bị cho các đội nhằm mục đích tuyên truyền cho sản phẩm của bản thân hoặc tập đoàn mình.

3. Lễ hội mùa xuân:

Cũng giống như các cư dân thuộc đồng bằng Bắc Bộ, cư dân ở Bàng La (Đồ Sơn) có lễ hội mùa xuân được tổ chức hàng năm trước đây. lễ hội mùa xuân ở Bàng La kéo dài từ ngày 7 đến hết ngày 11 tháng giêng âm lịch. Trong 3 ngày đầu, làng tổ chức tế thần. Những ngày còn lại, làng tổ chức tế lễ và mở hội diễn các trò chơi dân gian xen kẽ. Nổi bật nhất là tế "vật". Vật ở đây khác hẳn các nơi khác.Nhiều ngày trước đó, chức sắc (BTC) phải sắm sổ đinh, sắp xếp từng đôi vật theo độ tuổi, không phải là anh em, họ hàng, láng giềng, là nam giới, chưa lấy vợ từ 6 đến 7 tuổi trở lên, không giới hạn tuổi trên, không được thoái thác. Sới vật là sân đình. Chỉ vật một keo để phân thắng thua. Người thắng, người thua đều được nhận phần do một chức sắc trong làng bên được coi là rất vinh dự. Phần là một lát xôi, cắt ở các mâm xôi sau khi lễ thành hoàng và một miếng thịt hay một quả chuối. Phần của người thắng có nhỉnh hơn đôi chút.

Ngày mồng 9, làng tổ chức rước nước. Từ mờ sáng, mọi người tập trung ở sân đình, sau khi lễ thần, dân làng tổ chức đến một giếng nước làng đã lựa chọn từ trước để lấy nước về đình. Đó chính là lễ rước nước. Lúc đầu, người ta chọn một cái chum bằng sành, vệ sinh sạch sẽ (cũng có thể là một cái chĩnh bằng sứ) có nắp cẩn thận dùng vào lễ mộc dục. Rước nước là một hoạt động được cộng đồng trân trọng tham gia.

Ngày mồng 10 là ngày tế lớn nhất trong lễ hội nên được gọi là ngày lễ đại yến. Cuối cùng là tế rã đám kết thúc hội xuân vào ngày 11 tháng giêng. Lễ Kỳ yêu - tức lễ cầu an, tiến hành vào dịp cuối lễ hội làng. Cuối lễ, có lệ tiễn quan ôn, cúng thần. Lúc đốt thuyền, ngựa, lễ vật thì mọi người phải tránh hướng đi của các ngài, sợ các ngài bắt.

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0