UBND quận Đồ Sơn tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Tới dự có đại diện Lãnh đạo Quận ủy-UBND quận và GS.TSKH: Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS: Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cùng một số nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Bảo tàng Hải Phòng, Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, các Nghệ nhân dân gian, các Chủ trâu tâm huyết với Lễ hội.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn; hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác, gắn liền với với chiều dài lịch sử, sự phát triển của vùng đất, con người Đồ Sơn. Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, năm 1990 Lễ hội được khôi phục và tổ chức liên tục từ đó đến nay. Sau 35 năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hoá truyền thống của “tiền nhân” để lại. Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn gồm 2 phần là phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hoá tâm linh của người Đồ Sơn và phần Hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt; những miếng đánh đẹp, dũng mãnh của những Ông Trâu được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công…mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng tốt đẹp, đồng thời góp phần tạo nên nét đẹp riêng trong đời sống văn hoá tinh thần của miền đất thân thiện, tràn đầy nắng và gió Đồ Sơn, Hải Phòng. Với những nội dung mang giá trị độc đáo của mình, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27 tháng 12 năm 2012.
Tuy nhiên, công tác duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống như tổ chức các nghi lễ truyền thống, việc thực hành, giữ gìn và trao truyền kinh nghiệm thực hành di sản tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mai một. Đặc biệt, từ năm 2018, thực hiện Nghị định số 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức Lễ hội, quy định không được bán vé nên công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như việc kiểm soát và đảm bảo an toàn cho du khách đến lễ hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, làm rõ nội dung về thực trạng công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu hiện nay; việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; khai thác giá trị văn hóa của Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng; gắn lễ hội chọi trâu với phát triển du lịch; vai trò của Nhân dân để lưu giữ “hồn cốt” của dân tộc, tinh hoa của lễ hội...
Ông Trần Khắc Kiên-Chủ tịch UBND quận phát biểu Khai mạc Hội thảo
Với sự tham gia, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học của Trung ương, Thành phố và quận Đồ Sơn, nhất là của những nghệ nhân dân gian, các ông chủ trâu, hội thảo khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cần phải tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương trong thời gian tới.