Lợi ích chiến lược từ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng. Tổng mức đầu tư dự án 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,396 tỷ USD), từ nguồn vốn đầu tư công.
Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Trong đó, tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT đã đề xuất 19 chính sách, cơ chế đặc thù. 13/19 chính sách tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đề xuất áp dụng tương tự cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Các chính sách gồm: Cơ cấu nguồn vốn cho dự án; Phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt; Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước.
Cùng đó là các chính sách về: Phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ; thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và cầu; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao địa phương thực hiện các thủ tục chuyển đổi và giải phóng mặt bằng; lập tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu...

Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung 4 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội. Trong đó, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp việc triển khai dự án khác với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung điều chỉnh theo dự án sẽ được cập nhật vào quy hoạch trong quá trình rà soát triển khai theo định kỳ. Đảm bảo tiến độ triển khai, đề xuất cơ chế cho phép chủ đầu tư được triển khai đồng thời lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu... trong trường hợp cần thiết.
Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu các nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm phối hợp với đơn vị tư vấn trong nước thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sau thiết kế cơ sở, giám sát, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị...
Đối với cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất 6 chính sách. Trong đó, Bộ đề xuất Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phương tiện, thiết bị cho dự án; cho phép tăng vốn điều lệ của tổng công ty từ nguồn ngân sách để thực hiện việc chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện cho dự án. Theo đó, tuyến đường sắt này dài hơn 400km, gồm tuyến chính 388km và hai tuyến nhánh 15km. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng của Việt Nam.
Dự án đi qua 9 tỉnh thành, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Dự án khi triển khai sẽ chiếm dụng khoảng 2.632 ha đất, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Giai đoạn đầu, tuyến được xây dựng đường đơn, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tàu khách và tàu hàng lựa chọn công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực tập trung, khai thác với tốc độ 160 km/h-120km/h tuỳ đoạn.
Toàn tuyến bố trí 18 ga gồm ba ga lập tàu Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng và 15 ga hỗn hợp. (Ga lập tàu là những ga lớn thường được đặt tại các khu đầu mối đường sắt).
Ngoài ra, để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu, bố trí 14 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt hiện hữu sẽ vận tải hành khách nội địa, du lịch chặng ngắn và vận chuyển hàng hoá có sẵn kết nối với tuyến đường sắt mới.
Hải Phòng nhận định việc triển khai dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, qua đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Theo đó, tại Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng), UBND TP Hải Phòng đã đề xuất về việc Hải Phòng đóng góp tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12,63km.