Quận Đồ Sơn long trọng tổ chức Lễ dâng hương chính hội Lễ hội Đảo Dấu năm 2025
Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm tưởng niệm ngày mất của “Nam Hải Thần Vương”- vị tướng nhà Trần hi sinh vào thế kỷ 13, được tôn là vị thần biển linh thiêng của người dân miền biển Đồ Sơn. Lễ hội tổ chức với mục đích nhằm giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân miền biển Đồ Sơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Lễ dâng hương chính hội Đảo Dấu đã diễn ra với các nghi thức: lễ pháp tấu, lễ dâng hương, rước lễ, chuyển lễ, lễ ở nhà đàn và lễ tiễn đàn. Trong đó, điểm nhấn tại lễ hội là tục rước đèn về đêm và tế lễ, tiễn đàn thả thuyền giấy trên biển được thực hiện vào giờ Tý (23 giờ đêm 9/2 AL đến 01 giờ sáng ngày 10/2 AL). Theo quan niệm của những người đi biển ở Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho Nhân dân trong vùng một năm mưa thuận, gió hòa, đi biển thuận lợi; bội thu tôm, cá.


Ban Tổ chức lễ hội thực hiện các nghi thức rước lễ, chuyển lễ.
Đảo Hòn Dấu có sức hút nhân dân và du khách bởi cánh rừng nguyên sinh, ngọn hải đăng hàng trăm năm tuổi và câu chuyện về thần Nam Hải Đại Vương, năm 2009 đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích - Danh lam thắng cảnh quốc gia.
Tương truyền, thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng biển Đông Nam. Đến vùng đảo Đồ Sơn, một đêm nhà vua nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ cá tự xưng là “Thần Đảo”. Tỉnh dậy, Vua phán, nếu là thần linh thì hãy ứng báo. Dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền Rồng. Thấy nghiệm, vua phong cho ngài là “Lão đảo thần vương”. Đến đời vua Tự Đức, ngự giá kinh lý vùng biển phía Nam gặp sóng to gió lớn đã chắp tay thành tâm khẩn cầu và lời nhà vua vừa dứt, trời yên biển lặng. Nhà vua phong cho ngài tước hiệu Nam Hải Thần Vương và truyền cho trăm họ lập đền thờ phụng.Thần Nam Hải Đại Vương trên đảo Hòn Dấu rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Có lẽ, chính vì những huyền tích, những lời truyền miệng từ đời này sang đời khác về sự linh ứng của thần đảo đã giúp cho Hòn Dấu trải qua bao thế kỷ, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ, sừng sững như viên ngọc xanh giữa biển trời Đồ Sơn.


Lễ hội đảo Dấu năm 2025 thu hút đông đảo du khách tham dự.
Lễ hội năm nay thu hút đông đảo ngư dân và du khách tới tế lễ, thăm quan, chiêm bái. Trong dịp này, dân địa phương mở hội lễ tạ và ngủ lại một đêm trên đảo để hưởng lộc của thần.
Năm 2009, đảo Dấu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích – danh lam thắng cảnh quốc gia. Lễ hội được tổ chức với mục đích nhằm giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng những giá trị văn hoá đặc sắc của người dân miền biển Đồ Sơn. Đây cũng là dịp quảng bá mạnh mẽ du lịch tâm linh của Đồ Sơn tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.





Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghi thức thả thuyền giấy ra biển, cầu mong một năm bình an, bội thu tôm, cá.