TIN MỚI

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

BẢN TIN: THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 3 NĂM 2025

BẢN TIN 

THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 3 NĂM 2025

                                                          -----

I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

          1. Hoạt động đối ngoại 

          1.1. Thủ tướng New Zealand đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam

          Chiều 25/2, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai từ ngày 25-28/2 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược.

          Thủ tướng chúc mừng New Zealand về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội đạt được dưới sự lãnh đạo của Chính phủ do Thủ tướng Christopher Luxon đứng đầu; cảm ơn New Zealand luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

          Thủ tướng Christopher Luxon bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những ưu tiên của New Zealand ở khu vực Đông Nam Á, là đối tác tin cậy, có nhiều tiềm năng; khẳng định mong muốn đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa, đi vào chiều sâu, thực chất.

          Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương; nhấn mạnh tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, cũng như giao lưu nhân dân; các cơ chế hợp tác song phương được duy trì hiệu quả; khẳng định quyết tâm chính trị trong việc tăng cường gắn kết về mọi mặt giữa Việt Nam và New Zealand, đồng hành, hỗ trợ nhau trong công cuộc phát triển của mỗi nước, cũng như đóng góp vào việc xử lý hài hòa những thách thức chung ở khu vực và trên thế giới.

          Hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; đồng thời nhấn mạnh cần sớm xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2025-2028 để cụ thể hóa những nội hàm của khuôn khổ quan hệ mới với những sáng kiến, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể.

          1.2. Cuộc họp Thủ tướng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia

          Chiều 22/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhằm quán triệt các nội dung thỏa thuận tại Kết luận của Cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng trước đó cùng ngày.

          Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại các kết quả đạt được trong quá trình triển khai kết luận Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, giữa Việt Nam - Lào - Campuchia và các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao ba nước thời gian qua; nhất trí đánh giá đến nay cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

          Ba Thủ tướng bày tỏ vui mừng hợp tác giữa ba nước luôn được Lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành, địa phương ba nước quan tâm đẩy mạnh, đang có bước tiến mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào việc củng cố và vun đắp cho hợp tác ba nước ngày càng phát triển. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của tình cảm hữu nghị gắn bó mật thiết, sự đoàn kết, tin cậy lẫn nhau giữa ba nước, và nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, tập huấn thanh niên và lãnh đạo trẻ, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân ba nước, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa và giá trị lịch sử của quan hệ hợp tác giữa ba nước.

          Ba Thủ tướng khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp giữa ba nước trong bảo đảm an ninh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước; duy trì thường xuyên các cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh, gia tăng hợp tác giữa các địa phương đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới và giao lưu nhân dân; triển khai hiệu quả các cơ chế và thỏa thuận hợp tác, tăng cường chia sẻ thông tin, quan điểm và hợp tác giữa các bộ, ngành. Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, phối hợp chặt chẽ bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, buôn bán người, rửa tiền; giữ vững nguyên tắc không cho phép bất kỳ cá nhân hay lực lượng nào sử dụng lãnh thổ nước này làm phương hại đến an ninh nước kia để cùng chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

          Ba Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục có các chính sách, biện pháp tạo thuận lợi và khuyến khích hơn nữa thương mại, đầu tư; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, liên kết kinh tế ba nước. Ba Thủ tướng hoan nghênh và nhất trí thành lập cơ chế hợp tác ba Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch để thống nhất kế hoạch hợp tác du lịch giữa 3 nước, triển khai mô hình du lịch "Một hành trình, ba điểm đến".

  2. Tình hình Thế giới

       2.1. LHQ thông qua các nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

            Ngày 24/2 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời hối thúc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga.

          Theo phóng viên TTXVN tại New York, nhân dịp tròn 3 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đại hội đồng LHQ và HĐBA LHQ đã tổ chức các cuộc họp để tiến hành thảo luận và bỏ phiếu về các nghị quyết liên quan. HĐBA đã thông qua nghị quyết nói trên với 10 phiếu thuận, không có phiếu chống và 5 phiếu trắng (trong đó có các lá phiếu của hai ủy viên thường trực Anh và Pháp). Nghị quyết do Mỹ dự thảo được cơ quan quyền lực nhất LHQ thông qua mà không có nội dung đề cập tới các hành động được cho là gây hấn của Nga, qua đó thể hiện sự thay đổi trong lập trường lâu nay của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với cuộc xung đột này, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.  

          Trước đó cùng ngày, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút toàn bộ binh sĩ khỏi Ukraine. Bản dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ nhận được 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng, theo đó kêu gọi thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine. Nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc pháp lý, song việc số phiếu ủng hộ thấp hơn các nghị quyết trước đây cho thấy sự thay đổi quan điểm của nhiều nước thành viên LHQ và cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Đáng chú ý, Mỹ là một trong những nước bỏ phiếu chống đối với nghị quyết này.

          Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thư ký LHQ António Guterres một lần nữa tái khẳng định sự cấp thiết phải xây dựng một nền hòa bình công bằng, bền vững và toàn diện, đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với các đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận, phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh mọi nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đồng thời nhấn mạnh LHQ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến một cách hiệu quả.

      2.2. Syria thúc đẩy hòa giải và ngăn chặn bạo lực

          Mục tiêu nổi bật là thúc đẩy tiến trình hòa giải, hàn gắn xã hội, bảo đảm công lý, tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người, cũng như ngăn chặn bạo lực tái diễn. Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa tuyên bố Syria bước vào giai đoạn lịch sử mới, sau hơn một thập niên xung đột và bất ổn.

          Hội nghị có sự tham dự của các đại diện nhiều phe phái, thảo luận các lĩnh vực then chốt như luật pháp trong giai đoạn chuyển tiếp, soạn thảo Hiến pháp, cải cách thể chế và kinh tế, thống nhất lãnh thổ Syria, quyền tự do về chính trị... Kết quả của hội nghị là nền tảng cho tuyên bố Hiến pháp, định hình bản sắc kinh tế quốc gia và kế hoạch cải cách các thể chế. Hội nghị nhất trí thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới.

          Tuyên bố của hội nghị đề ra 18 điểm, làm cơ sở và định hướng cho chương trình cải cách thể chế, gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng và quyền công dân. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng quân đội quốc gia chuyên nghiệp và nêu rõ bất kỳ lực lượng vũ trang nào nằm ngoài các thể chế chính thức đều bị đặt ngoài vòng pháp luật. Tuyên bố cũng nêu bật quan ngại về hành động quân sự của Israel trên lãnh thổ Syria, khẳng định bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Hội nghị cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt với Syria.

          Trong khi đó, Israel gia tăng hoạt động không kích vào miền nam Syria. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 4 người thiệt mạng khi máy bay chiến đấu của Israel không kích nhằm vào cơ sở của quân đội Syria tại phía nam Damascus hôm 25/2. Một số vụ nổ cũng được báo cáo ở Izraa, thuộc tỉnh Daraa, miền nam Syria.

          Bộ trưởng Quốc phòng Israel xác nhận máy bay chiến đấu của nước này đã thực hiện các cuộc không kích ở miền nam Syria, như một phần trong chính sách "phi quân sự hóa" khu vực. Trong khi đó, chính phủ lâm thời Syria lên án các vụ tấn công, cho đây là hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia của Syria.

          II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN

          1. Thông tin tình hình trong nước

          1.1. Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

          Sáng 19/2, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

            Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa đầy đủ pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội;

            Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.

          1.2. Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK, Hàn Quốc

Chiều 14/02/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK, Hàn Quốc.

          Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những thành quả đạt được của Tập đoàn SK trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua; đồng thời cảm ơn những tình cảm mà cá nhân Ngài Chủ tịch và Tập đoàn SK dành cho Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ hài lòng về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực; nhấn mạnh Hàn Quốc luôn thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu về đầu tư, thương mại tại Việt Nam, trên cơ sở đó hai nước đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 150 tỷ USD vào năm 2030; đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn SK, qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao kế hoạch triển khai các dự án mới của Tập đoàn SK tại Việt Nam phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đề nghị Tập đoàn SK hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và địa phương Việt Nam sớm triển khai các dự án một cách nhanh nhất, thực chất và hiệu quả.

Về phần mình, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won đã báo cáo tình hình hoạt động đầu tư của Tập đoàn SK tại Việt Nam thời gian qua và kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam thời gian tới; nhấn mạnh Tập đoàn SK có năng lực hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng và mong muốn hợp tác triển khai các lĩnh vực liên quan tại Việt Nam để góp phần vào việc phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn SK mong muốn hợp tác với phía Việt Nam triển khai các giải pháp năng lượng kết hợp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như đầu tư hạ tầng điện khí LNG tại Việt Nam kết hợp phát triển các dự án hợp tác tiềm năng liên quan đến Trung tâm dữ liệu AI, năng lượng Hydro và lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR), nông nghiệp công nghệ cao và logistics.

1.3. Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 19/02/2025 với 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,19% tổng số đại biểu).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng. 

2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng

2.1. Thông qua 11 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Sau 1/2 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại Kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét và quyết nghị 11 dự thảo Nghị quyết; trong đó xem xét, quyết định hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và Thành uỷ, bảo đảm các cơ quan hoạt động theo mô hình tổ chức bộ máy mới ngay từ ngày 01/3/2025; Chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên  chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại thành phố Hải Phòng; Chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công, chương trình xây dựng nông thôn mới để có cơ sở phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các chương trình, dự án và một số nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.

Kỳ họp thực hiện công tác nhân sự: bầu chức danh Trưởng ban Ban Đô thị HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Theo đó, đồng chí Phạm Văn Khanh, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Kiến An đã trúng cử chức danh Trưởng ban Ban Đô thị HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

2.2. Hải Phòng công bố quyết định về sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ

Chiều 21/2, Thành ủy Hải Phòng đã công bố quyết định về sắp xếp bộ máy; công tác cán bộ của hệ thống chính trị thành phố và biểu dương cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy vì sự nghiệp phát triển của TP. Hải Phòng.

Theo đó, Thành ủy Hải Phòng công bố các quyết định kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp thành phố; Đảng bộ khối các cơ quan thành phố, Đảng bộ khối doanh nghiệp thành phố và các quyết định chuyển giao các tổ chức đảng. Cùng với đó, Thành ủy Hải Phòng cũng công bố quyết định thành lập Đảng bộ các cơ quan đảng thành phố trực thuộc Thành ủy Hải Phòng gồm 23 tổ chức cơ sở đảng với 991 đảng viên; chỉ định Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan đảng thành phố. Theo đó, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giữ chức Bí thư Đảng bộ các cơ quan đảng thành phố.

Thành ủy Hải Phòng công bố các quyết định thành lập Đảng bộ Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Thành ủy Hải Phòng gồm 44 tổ chức cơ sở đảng với 13.314 đảng viên; chỉ định Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giữ chức Bí thư Đảng bộ Ủy ban nhân dân thành phố.

Tại hội nghị, Thành ủy Hải Phòng công bố các quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng; các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng. Theo đó, đồng chí Phạm Văn Thép, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được bổ nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng. 

Thành ủy Hải Phòng cũng công bố các quyết định hợp nhất Báo Hải Phòng và Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thành Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố; các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố. Theo đó, đồng chí Phạm Văn Tuấn, Ủy viên Thành ủy được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố. 

Tại hội nghị, Thành ủy Hải Phòng cũng công bố các quyết định điều động và bổ nhiệm: Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; điều động cán bộ đến công tác tại cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố.

Thành ủy Hải Phòng đã công bố và trao các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ diện Thành uỷ quản lý đối với 6 cơ quan khối chính quyền và trao các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các sở mới thành lập.

Cùng với đó, Thành ủy Hải Phòng đã công bố, trao các quyết định tiếp nhận, điều động và bổ nhiệm các chức danh: Chánh Thanh tra thành phố, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng. Các quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.

Nhân dịp này, Thành ủy Hải Phòng cũng biểu dương, khen thưởng 43 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy vì sự nghiệp phát triển của TP. Hải Phòng; trao 19 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 18 Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc.    

2.3. Hải Phòng xử lý nghiêm trường hợp vi phạm kỉ cương hành chính

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có chỉ đạo về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ và chất lượng phục vụ. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủy Nguyên kịp thời triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về cải cách hành chính. Trong đó, tập trung cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đổi mới cách thức quản lý theo hướng chú trọng quản lý mục tiêu, kết quả thay vì quản lý quá trình.

Các đơn vị tăng cường tích hợp tiện ích trên Ứng dụng định danh điện tử (VNeID); tập trung rà soát, đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. Đồng thời, tích hợp và cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các đơn vị triển khai các giải pháp để nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính cũng như chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Các đơn vị đẩy mạnh số hóa, tái sử dụng dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án 06/CP. 

3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận

3.1. HĐND quận Đồ Sơn khóa VI tổ chức kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề)

 Tại kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm, đồng thuận cao, các đại biểu HĐND quận thống nhất, biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; Dừng chủ trương đầu tư Dự án chỉnh trang đô thị tại lô N24-3, phường Minh Đức quận Đồ Sơn do thực hiện Luật đất đai năm 2024.

Tại Kỳ họp, 100% đại biểu HĐND quận đã nhất trí biểu quyết thông qua nghị quyết về việc Quyết định thành lập, tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận gồm: (1) Thành lập Phòng Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Phòng Nội vụ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. (2) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở đổi tên Phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin. (3) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị. Các phòng là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận hoạt động theo quy định của pháp luật. Thời hiệu hoạt động từ ngày 01/03/2025.

Sau thành lập, tổ chức lại, UBND quận Đồ Sơn có 10 phòng chuyên môn: Phòng Nội vụ; Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Tư pháp; Thanh tra quận; Văn phòng HĐND và UBND. HĐND quận cũng thông qua Nghị quyết về dừng chủ trương đầu tư Dự án chỉnh trang đô thị tại lô N24-3, phường Minh Đức quận Đồ Sơn do thực hiện Luật đất đai năm 2024.

3.2. Quận ủy Đồ Sơn sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ

Chiều ngày 28/02/2025 quận Đồ sơn tổ chức Hội nghị đã công bố và trao các quyết định của Quận ủy Đồ Sơn về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, gặp mặt biểu dương cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tại Hội nghị, trao Quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Quận ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy; phân công và bổ nhiệm đồng chí Lương Trác Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận. Bổ nhiệm đồng chí Lương Thị Trang Nhung, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy, kể từ ngày 01/3/2025; 

- Điều động, phân công đồng chí Lương Hữu Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy đến nhận công tác tại Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Quận uỷ, để giới thiệu bầu bổ sung Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Quận uỷ và bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Điều động và chỉ định đồng chí Bùi Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Hợp Đức, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Tiếp nhận và điều động đồng chí Phan Thị Phượng, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận đến nhận công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ quận để giới thiệu bầu bổ sung Ban Thường vụ và bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đồ Sơn, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang, Ủy viên Quận ủy, Bí thư Đảng ủy phường Hợp Đức thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng uỷ và thôi giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ phường Hợp Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025 để điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức Quận uỷ.

Đồng thời, Hội nghị công bố các nghị quyết của HĐND quận về thành lập, tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận và quyết định của Chủ tịch UBND quận về bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các cơ quan chuyên môn. Theo đó:

-Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận; bổ nhiệm đồng chí Lê Viết Dương, Trưởng phòng Quản lý đô thị giữ chức Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận; bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Thị Thuý, đồng chí Đinh Xuân Trung, phó trưởng phòng Quản lý đô thị giữ chức Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận.

- Thành lập Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin trên cơ sở đổi tên Phòng Du lịch, Văn hoá và Thông tin; bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Hợp, Trưởng phòng Phòng Du lịch, Văn hoá và Thông tin quận giữ chức vụ Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin quận; bổ nhiệm đồng chí Trần Ngọc Khánh, đồng chí Lương Việt Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Du lịch Văn hoá và Thông tin quận giữ chức vụ Phó Trưởng phòng. 

- Thành lập Phòng Nội vụ trên cơ sở hợp nhất phòng Nội vụ và phòng Lao động- Thương binh và Xã hội; bổ nhiệm đồng chí Ngô Việt Đông, Trưởng phòng Kinh tế quận (hiện nay) giữ chức vụ Trưởng phòng Nội vụ quận; bổ nhiệm các đồng chí Đinh Thị Phương Thảo, Hoàng Gia Lập - Phó trưởng phòng Phòng Nội vụ, giữ chức vụ Phó trưởng phòng.       

 - Điều động và bổ nhiệm đồng chí: Hoàng Đình Nam, Phó Trưởng phòng Kinh tế giữ chức Phó Trưởng phòng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; đồng chí Phạm Thị Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Phạm Thị Hồng Huế, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Phòng Y tế.

- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Phạm Thành Công, Chánh Thanh tra quận giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Tư pháp quận.

- Giao phụ trách điều hành hoạt động của Thanh tra quận đối với đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chánh Thanh tra quận.

Sau thành lập, tổ chức lại, UBND quận Đồ Sơn có 10 phòng chuyên môn gồm: Phòng Nội vụ; Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Tư pháp; Thanh tra quận; Văn phòng HĐND và UBND quận. 

Hội nghị cũng gặp mặt, biểu dương những cán bộ lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy vì sự nghiệp phát triển chung của quận.

3.3. Quận Đồ Sơn trang trọng tổ chức Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội Đảo Dấu 2025

Năm 2025, Lễ hội truyền thống Đảo Dấu sẽ diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 8/3 (tức từ ngày mùng 1 tháng 2 đến ngày 9 tháng 2 năm Ất Tỵ). Bên cạnh các nghi lễ truyền thống là các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc gồm Hội cờ tướng và chương trình Liên hoan diễn xướng Hát văn và Hát Chầu văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ III.

Lễ dâng hương trước tiên được diễn ra tại Đền Nghè - ngôi đền hàng tổng của vùng đất Cửu Long tranh châu. Nơi đây thờ thần Điểm Tước - Vị thượng đẳng thiên thần bảo vệ người dân Đồ Sơn khỏi thiên tai, địch họa. Tiếp đó, đoàn lễ xuống tàu ra Đảo Dấu, nơi có đền thờ Nam Hải Thần Vương. Tương truyền, đây là vị thần cai quản biển Đông, đảm bảo sự an toàn, bình yên cho những chuyến đi biển của ngư dân.

Nét mới của Lễ hội năm nay là sau nghi thức dâng hương, thượng cờ khai hội là nghi thức rước đàn tế. Sự thay đổi này nhằm tạo sự đổi mới, có thêm nhiều hoạt động trong ngày khai mạc lễ hội để Nhân dân và du khách thưởng thức và hòa mình vào văn hóa tâm linh của địa phương.

Lễ hội được tổ chức với mục đích nhằm giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng những giá trị văn hoá đặc sắc của người dân miền biển Đồ Sơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của Nhân dân địa phương và du khách thập phương. Bên cạnh đó, đây được xem như điểm nhấn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của quận Đồ Sơn để thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 04/2025

1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và quận trong tháng 4; các hoạt động Liên hoan du lịch quận Đồ Sơn năm 2025. 

2. Thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được của cả nước, thành phố và quận trong Quý I; các mục tiêu, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ Quý II năm 2025.

3. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14-02-2025 của Bộ Chính trị về “một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025”; Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18-01-2025 của Ban Chấp hành Trung ương về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Quy định số 232-QĐ/TW, ngày 20/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các dự án luật, luật sửa đổi, bổ sung, các nghị quyết của Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp; Kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII;…

4. Chủ động nắm vững thông tin, tình hình dư luận xã hội, thường xuyên tuyên tuyền, lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch trên không gian mạng.

5. Tăng cường tính phát hiện, dự báo diễn biến tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân quận; các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề xuất các phương hướng, giải pháp định hướng, xử lý thông tin dư luận xã hội để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. 

 

Admin

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0