CẢNH BÁO: THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO CÔNG NGHỆ CAO NGÀY CÀNG TINH VI, KHÓ LƯỜNG!
MỘT SỐ THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
(Cần tập trung tuyên truyền để đấu tranh phòng, chống tội phạm)
Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, các đối tượng phạm tội ngày càng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân với thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi. Đặc biệt, nạn nhân chủ yếu là những người có thói quen sử dụng mạng xã hội, mua bán online, người cao tuổi ít cập nhật thông tin, hoặc các tiểu thương, chủ hộ kinh doanh...
Dưới đây là một số phương thức lừa đảo điển hình đang được các cơ quan chức năng cảnh báo và đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác:
I. Thủ đoạn 1
Các đối tượng gọi điện cho người dân giả mạo là cán bộ công an xã, phường trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công, VneID, kích hoạt định danh điện tử mức 2, tích hợp giấy đăng ký phương tiện giao thông, bảo hiểm y tế... nhằm mục đích chiếm quyền quản trị điện thoại sau đó đăng nhập vào tài khoản ngân hàng thực hiện thao tác chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân để chiếm đoạt.
II. Thủ đoạn 2
Đối tượng lừa đảo giả mạo là nhân viên Công ty chuyển phát nhanh (Shipper) gọi điện thoại cho người dân thông báo có đơn hàng cần giao nhận. Nhiều người dân có thói quen thường xuyên mua hàng qua mạng nên khi đối tượng lừa đảo gọi điện đã không kiểm tra mà nhanh chóng chuyển khoản thanh toán. Sau khi chuyển khoản thành công, các đối tượng thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, mỗi tháng tự động bị trừ tiền, mục đích làm người dân lo sợ làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo truy cập vào các đường link, sau đó bị đối tượng thực hiện thao tác chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
III. Thủ đoạn 3:
Đối tượng giả mạo nhân viên của các đơn vị, cơ quan nhà nước gọi điện đến một số chủ cửa hàng, đại lý để đặt mua số mặt hàng hoặc đặt làm cỗ, làm sự kiện. Sau khi chủ cửa hàng, đại lý đồng ý thì đối tượng lừa đảo tiếp tục đặt kèm theo các loại hàng hóa hoặc dịch vụ (với số lượng lớn) mà cửa hàng, đại lý không có. Đối tượng lừa đảo sẽ giới thiệu, hướng dẫn chủ cửa hàng liên hệ với các đại lý đầu mối (bên thứ 3) để đặt hàng. Tại đại lý đầu mối (bên thứ 3) cũng thuộc nhóm đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chủ cửa hàng đặt cọc mới chuyển hàng, khi chủ cửa hàng, đại lý chuyển tiền, chúng sẽ chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản.
IV. Thủ đoạn 4
Thủ đoạn lừa đảo thông qua tuyển cộng tác viên bán hàng Online, lôi kéo đầu tư tài chính, forex: Ban đầu khi đơn hàng nhỏ hoặc gói đầu tư nhỏ các đối tượng sẽ thanh toán cả gốc và hoa hồng cho nạn nhân để tạo lòng tin. Sau một vài lần đối tượng yêu cầu thanh toán đơn hàng cao hơn (trị giá vài triệu) hoặc nạn nhân bỏ ra số tiền lớn để đầu tư thì các đối tượng sẽ báo lỗi hệ thống sau đó chiếm đoạt. Điển hình: Vụ TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) lừa đảo chiếm đoạt 5.200 tỷ của 2.600 nạn nhân thông qua hình thức thiết lập sàn chứng khoản giả mạo.
V. Thủ đoạn 5
Đối tượng giả mạo nhân viên của các cơ quan nhà nước như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Hải quan... gọi điện thông báo cho nạn nhân đang bị Cơ quan Công an điều tra vì có liên quan đến hành vi tội phạm như: trốn thuế, buôn bán ma túy, lừa đảo... Khi thấy nạn nhân sợ hãi và tin là thật thì đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để "điều tra, xác minh", sau đó sẽ chiếm đoạt tiền.
Mỗi người dân, tổ chức hãy nâng cao ý thức cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân, không cài đặt ứng dụng từ nguồn không chính thống, không làm theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, mạng xã hội. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, hãy nhanh chóng liên hệ cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Chung tay đẩy lùi tội phạm công nghệ cao – Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn để xây dựng một xã hội số an toàn, lành mạnh và văn minh!