KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2025)
KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2025)
Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ!
Tưởng nhớ, tri ân – truyền thống và đạo lý cao đẹp của dân tộc
Ngày 27/7/1947 – giữa những ngày tháng đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề nghị của Bộ Lao động, nước ta đã lần đầu tiên tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” – những giá trị nhân văn cao quý đã hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đến năm 1955, Ngày Thương binh được chính thức đổi tên thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ, mở rộng phạm vi tri ân đến cả những người con ưu tú đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:
“Thương binh, bệnh binh là những người đã hy sinh một phần xương máu của mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải chăm sóc, giúp đỡ họ.”
Câu nói ấy không chỉ là lời nhắc nhở ân tình, mà còn là phương châm hành động xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" – những kết quả thiết thực
Thời gian qua, công tác chăm lo người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là biểu hiện sinh động của đạo lý và lòng nhân văn trong xã hội ta.
- Trên phạm vi cả nước, riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kinh phí dành cho công tác an sinh xã hội ước đạt gần 549 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 20,6 nghìn tỷ đồng được chi cho các chính sách ưu đãi người có công.
Hơn 1,66 triệu người có công đã được nhận quà từ ngân sách trung ương và địa phương nhân dịp 27/7; hàng chục nghìn căn nhà tình nghĩa được xây mới, sửa chữa; các chính sách về bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, vay vốn… tiếp tục được thực hiện hiệu quả. - Tại thành phố Hải Phòng, đang quản lý và chăm lo cho trên 220.000 người có công. Dịp 27/7/2024, thành phố đã trích trên 245 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 44.672 người có công. Thành phố cũng đã xét hỗ trợ gần 650 căn nhà tình nghĩa, đồng thời nâng cấp nhiều công trình tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, thể hiện sự tri ân bằng những hành động cụ thể.
- Tại phường Đồ Sơn, hiện có trên 350 đối tượng người có công, gồm thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những năm qua, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phường thường xuyên tổ chức các hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân, thăm hỏi, khám sức khỏe, tặng quà nhân dịp lễ Tết và các ngày kỷ niệm. Đồng thời, phường tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, lan tỏa rộng rãi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong toàn dân.

Hành động tri ân – trách nhiệm của thế hệ hôm nay
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân phường Đồ Sơn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tri ân sâu sắc, thiết thực:
- Tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ và các bia tưởng niệm.
- Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng với tình cảm và trách nhiệm.
- Vận động tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, đóng góp Quỹ, nhận phụng dưỡng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công.
- Phát động thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nêu gương điển hình trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, fanpage.
- Tổ chức tuyên truyền chuyên đề, mời nhân chứng lịch sử, thương binh kể chuyện truyền cảm hứng.
- Đưa giáo dục truyền thống cách mạng vào hoạt động Đoàn – Đội – Hội, thi đua “Tiếp bước cha anh”, thi tìm hiểu lịch sử, làm báo tường, vẽ tranh về chủ đề 27/7.
- Khuyến khích việc làm tốt, hành động đẹp: chăm sóc nghĩa trang, dọn vệ sinh bia ghi danh, giúp đỡ gia đình chính sách gặp khó khăn…

Tri ân không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể, sâu sắc và nhân văn!
Phường Đồ Sơn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm xã hội, tiếp tục chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh – nghĩa tình, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.
ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ!