TIN MỚI

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

BẢN TIN: THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 02 NĂM 2025

 I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
    1. Tình hình đối ngoại
    1.1. Tổng Bí thư tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia
    Chiều 20/01, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do đồng chí Ouch Borith, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương CPP, Phó Chủ tịch thứ Nhất Thượng viện Campuchia dẫn đầu, nhân dịp Đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam.
    Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nước. Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn và quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà Campuchia đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Sihamoni, sự lãnh đạo của Thượng viện, Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ do CPP làm nòng cốt. 
Đồng chí Ouch Borith bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, đồng chí Ouch Borith tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới, to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ và sự giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời, có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Đồng chí Ouch Borith khẳng định mong muốn và quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia tiếp tục vun đắp và giữ gìn mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai dân tộc Campuchia và Việt Nam.
    1.2. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
    Thủ tướng cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 55) và hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23/01/2025, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 có chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh" có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là dịp để trao đổi về những định hướng, ưu tiên phát triển, những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho các đối tác.
Dự kiến trong 2 ngày tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có lịch trình hoạt động dày đặc. Trong đó, Thủ tướng sẽ chủ trì và dự nhiều phiên đối thoại, thảo luận về nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau như: Phiên thảo luận toàn thể về "ASEAN: Gắn kết để vươn xa"; đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF; đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong những năm tới. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trong năm 2025 của lãnh đạo cấp cao Việt Nam; tiếp tục khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế.
Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trong năm 2025 của lãnh đạo cấp cao Việt Nam; tiếp tục khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế. Cùng với tham dự và có các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị WEF 55, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ nhằm củng cố tin cậy chính trị và làm sâu sắc quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ, thúc đẩy đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
1.3. Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Cộng hòa Séc
Chiều 20/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Séc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Séc Petr Pavel. Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Petr Pavel chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025), coi đây là dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Séc - Việt Nam ngày càng phát triển; đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; khẳng định không có đất nước nào ở châu Á mà Séc có quan hệ tốt như với Việt Nam; mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Séc tươi đẹp, sự khâm phục và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Séc đã đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập Châu Âu, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Séc tại khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và hỗ trợ vô tư, trong sáng, chí nghĩa, chí tình của nhân dân Séc đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Là một đất nước chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, Việt Nam hết sức thấu hiểu và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho xung đột Nga - Ucraina với sự tham dự của các bên liên quan.
2. Tình hình Thế giới
2.1. Tổng thống Mỹ hủy bỏ lệnh trừng phạt những người định cư Israel ở Bờ Tây
Ngày 21/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ lệnh trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt đối với những người định cư Israel cực hữu bị cáo buộc có liên quan đến tình trạng bạo lực chống lại người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trang web của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã hủy bỏ sắc lệnh hành pháp 14115 được ban hành ngày 01/02/2024, cho phép áp dụng một số lệnh trừng phạt đối với những đối tượng có hành vi làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định ở Bờ Tây. Quyết định của ông Trump là sự đảo ngược chính sách lớn của chính quyền người tiền nhiệm Biden, vốn áp đặt trừng phạt đối với nhiều cá nhân và tổ chức định cư Israel, đóng băng tài sản tại Mỹ và cấm người dân Mỹ giao dịch với họ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2019, ông Trump đã từ bỏ lập trường lâu đời của Mỹ rằng các khu định cư là bất hợp pháp trước khi được ông Biden khôi phục lại.
Liên quan tới quan hệ của Israel với các nước trong khu vực, ông Trump cho rằng Saudi Arabia sẽ tham gia Hiệp định Abraham, một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia A rập. Trong khi đó, tân Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza, vốn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/01.
2.2. Thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza có hiệu lực
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực, mang lại hy vọng hòa bình và hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người tại Dải Gaza. Thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và lực lượng Hamas chính thức có hiệu lực từ 8h30 sáng ngày 19/1 theo giờ địa phương (13h30 theo giờ Việt Nam). Thỏa thuận này không chỉ mở ra hy vọng về hòa bình tại Dải Gaza mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo khẩn cấp. Theo thỏa thuận, 600 xe tải mỗi ngày, bao gồm 50 xe chở nhiên liệu, sẽ được phép tiếp cận Dải Gaza để giải quyết tình trạng nhân đạo đang ngày càng trầm trọng. Trong giai đoạn đầu, Hamas sẽ trao trả 33 con tin Israel để đổi lấy 1.890 người Palestine đang bị giam giữ. Thỏa thuận này mang lại hy vọng lớn cho hàng triệu người tại Dải Gaza, đặc biệt là các gia đình đang mong ngóng người thân được trở về sau hơn 15 tháng xung đột khốc liệt.
    II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
    1. Thông tin tình hình trong nước
    1.1. Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Ngày 15/01, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/01/1950 - 18/01/2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cuộc điện đàm, là sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp của “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”, thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, định hướng cho các hoạt động hợp tác hiệu quả giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhân dịp Năm mới Ất Tỵ 2025 sắp tới, hai đồng chí Tổng Bí thư gửi lời chúc mừng năm mới tới hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, chúc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước thu được thành tựu mới to lớn hơn nữa, nhân dân hai nước an khang, thịnh vượng, quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
1.2. Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-15/01, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin diễn ra tại thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/01/1950-30/01/2025).
Thủ tướng Mikhail Mishustin đã hội đàm Liên chính phủ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Mishustin đến Việt Nam, chuyến thăm cho thấy hai nước coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa và quốc phòng an ninh. Chuyến thăm là dịp để hai bên rà soát, thảo luận và tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác, trao đổi về tiến độ thực hiện các dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp..., cùng đề ra các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga.
1.3. Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Sáng 02/01, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung theo diễn biến tình hình, trên nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và xử lý những vấn đề tồn đọng bên trong các cơ quan, đơn vị; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tài sản công để có căn cứ xử lý vấn đề về tài sản công trong quá trình sắp xếp…
1.4. Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Ngày 13/01, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%.
Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Hội nghị đã công bố Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 229 ngày 10/1/2025 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên, Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
    Chiều 16/01, UBND thành phố tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 1511 ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KKT, một động lực mới cho sự tăng trưởng, thịnh vượng của thành phố. 
    Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng với quy mô khoảng 20.000 ha được định hướng là một KKT đa ngành, mang tầm quốc tế, với các trụ cột phát triển là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics hiện đại, đô thị thông minh, du lịch sinh thái, và khu thương mại tự do thí điểm. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mới mà còn là cơ sở để Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước. Việc thành lập KKT sẽ tạo điều kiện để thành phố thí điểm các cơ chế chính sách mới, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực từ trong và ngoài nước để hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra.
    Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải. KKT thứ 2 sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. Ngoài ra, KKT ven biển phía Nam còn được kỳ vọng đóng góp ngân sách 550.000 tỷ đồng và tạo 301.000 việc làm lao động. Việc thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng là một quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên của thành phố, là bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết số 45 và Kết luận số 96 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng. KKT sẽ là nơi tập trung các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo ra những giá trị mới, góp phần xây dựng Hải Phòng ngày càng giàu mạnh, văn minh.
2.2. Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hải Phòng
Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc và Hội Người Hàn Quốc tại Hải Phòng tổ chức Giao lưu hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc và ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hải Phòng. 
Ông Chang Ho-Seung - Tham tán Công sứ kiêm Tổng lãnh sự, Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chia sẻ, trong mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, cả hai quốc gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Hải Phòng- thành phố có nhiều doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc đến đầu tư và sinh sống. Một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đến đầu tư tại Hải Phòng là Tập đoàn LG. Tập đoàn đã đầu tư vào Hải Phòng từ cuối thập niên 1990, đưa Hải Phòng trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với Tập đoàn LG, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư tại Hải Phòng và đã có mối quan hệ hợp tác, cùng phát triên với doanh nghiệp Việt Nam cũng như có các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có thể nói, Hải Phòng chính là môi trường đầu tư kiểu mẫu dành cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Kết quả này có được từ sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc ra mắt và ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc. Thông qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác của doanh nghiệp hai bên.
    2.3. Hải Phòng tăng cường bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có Chỉ thị 02/CT-UBND yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện, TP. Thủy Nguyên triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. Hải Phòng yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa trên thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan dịch vụ vận chuyển hành khách… 
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá nhất là đối với các hàng hóa thuộc diện kê khai giá trên địa bàn, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định. Thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ. UBND TP. Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu đặc biệt là thịt lợn, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá tại thời điểm trước, trong và sau Tết. Tiếp tục triển khai chỉ đạo sản xuất, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi; tập trung tổ chức phòng, chống và khống chế dịch bệnh ngay trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, an toàn…

3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Đảng bộ quận Đồ Sơn: Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng và trao tặng huy hiệu Đảng, biểu dương tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
Sáng ngày 20/1, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đồ Sơn long trọng tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Buổi lễ là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy về dự.
Nhân dịp này, Quận ủy đã trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3/2/2025 cho các đồng chí đảng viên tiêu biểu, ghi nhận những đóng góp to lớn của các đồng chí trong sự nghiệp cách mạng. Đây là phần thưởng cao quý, là niềm tự hào của mỗi đảng viên, đồng thời là động lực để tiếp tục cống hiến.
Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 cũng được biểu dương, khen thưởng. Những thành tích này là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn của tập thể cán bộ, đảng viên, góp phần đưa quận Đồ Sơn ngày càng phát triển vững mạnh.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đồ Sơn quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
3.2. Quận uỷ Đồ Sơn tổ chức hội thảo khoa học chỉnh lý, bổ sung Lịch sử Đảng bộ quận Đồ Sơn (1930 - 2025)
Sáng ngày 15/01/2025, Quận uỷ Đồ Sơn tổ chức hội thảo khoa học chỉnh lý, bổ sung lịch sử Đảng bộ quận Đồ Sơn giai đoạn 1930 - 2025.
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quận qua các thời kỳ; Thường trực, Ban Thường vụ Quận uỷ; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Nghiên cứu biên soạn, Tổ sưu tầm tư liệu; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quận; cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các phường.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí và đánh giá cao chất lượng bản dự thảo lịch sử Đảng bộ quận. Nội dung bản dự thảo được ghi nhận đã phản ánh đầy đủ, sâu sắc chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ quận Đồ Sơn. Đặc biệt, có 10 ý kiến phát biểu đóng góp vào bản dự thảo, tập trung bổ sung, chỉnh sửa một số chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa nội dung.
Trong thời gian tới, Ban Nghiên cứu biên soạn sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp, tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện cuốn sách. Dự kiến, cuốn sách sẽ được phát hành và ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Đồ Sơn (15/5/1955 - 15/5/2025) và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030.
3.3. Công tác hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại sau cơn báo số 3 (Yagy)
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Quận ủy, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp UBND quận đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các phường hoàn thành công tác hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại sau bão số 3 (Yagy), đảm bảo tiến độ, thời gian. 
Tính đến ngày 22/01/2025 toàn quận đã tiếp nhận 17.986.263.000đ. Trong đó: cấp quận tiếp nhận 17.193.980.000đ (tiếp nhận của Ban Vân động cứu trợ thành phố hỗ trợ 15.237.563.000đ; Ban Vận động cứu trợ quận và các tổ chức đơn vị vận động, tiếp nhận 1.956.417.000đ); cấp phường vận động 792.283.000đ.
Việc vận động tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ được thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, phân bổ, sử dụng các nguồn kinh phí vận động, tiếp nhận cứu trợ được thực hiện một cách nghiêm túc.
Việc triển khai chi trả hỗ trợ kinh phí đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch và được Ban Vận động cứu trợ quận yêu cầu các phường thực hiện niêm yết công khai, thông báo đến các đối tượng được nhận hỗ trợ. Quá trình hỗ trợ kinh phí đều có sự tham gia giám sát của Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể ở các tổ dân phố. Đặc biệt là 2.334 hộ bị thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản được Ban Vận động cứu trợ thành phố, Ban Vận động cứu trợ quận quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 11.187.039.000đ. Nhân dân vui mừng phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Qua đó đã giúp người dân bị thiệt hai sau bão phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
3.4. Kết quả công tác an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
3.4.1. Chi trả chế độ trợ cấp
- Chi trả chế độ chính sách hàng tháng cho người có công tháng 1 với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng; công tác chi trả đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, an toàn, không có sai sót; hoàn thành chi trả vào ngày 15/01/2025 (thứ Tư).
- Chi trả truy lĩnh trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội tháng với tổng số tiền gần 6,2 tỷ đồng; công tác chi trả đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, an toàn, không có sai sót; hoàn thành chi trả vào ngày 17/01/2025 (thứ Sáu).
- Chi trả kinh phí hỗ trợ đặc thù cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố cho 153 người với tổng kinh phí là 152.350.000 đồng; hoàn thành chi trả trong ngày 21/01/2025.
- Thực hiện chi trả trợ cấp mai táng phí, trợ cấp một lần đối với 36 các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội với tổng số tiền 415.780.000đ.
3.4.2. Công tác tổng hợp và tiếp nhận quà của Chủ tịch nước, quà thành phố, quận tặng các đối tượng chính sách xã hội
* Quà Chủ tịch nước
- Tặng 1.151 suất quà người có công với số tiền 349.500.000 đồng;
- Tặng 4 suất quà bằng hiện vật (05m vải lụa/người) và Thiệp chúc thọ công dân tròn 100 tuổi.
* Quà Thành phố: Tặng 1.301 suất quà với tổng kinh phí 6.416.420.000 đồng.
* Quà của Quận
- Chuyển quà của quận: Trích từ nguồn ngân sách quận thăm tặng quà 2.353 suất quà tổng số tiền 2.273.200.000 đồng.
- Vận động nguồn lực xã hội hóa được 5.113 lượt suất quà, với tổng số tiền 2.614.680.000 đồng, trong đó:
+Cấp quận: vận động 2.092 suất quà, với tổng số tiền 1.207.930.000 đồng trong đó quà tiền mặt là 1.862 suất với số tiền 1.190.200.000 đồng, quà hiện vật là 230 suất với số tiền 17.730.000 đồng.
+Cấp phường: vận động 3.021 suất quà, với tổng số tiền 1.406.750.000đồng tặng quà gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; cựu thanh niên xung phong, gia đình có hoàn cảnh khó khăn (phường cao nhất là Hải Sơn với tổng mức vận động 404.200.000 đồng, phường thấp nhất là Hợp Đức với tổng mức vận động 118.500.000 đồng, đối tượng được hưởng cao nhất là người có công với cách mạng và thân nhân).
3.4.3. Công tác tiền lương, thưởng của doanh nghiệp cho công nhân
- Tiền lương các doanh nghiệp trả đầy đủ, trên địa bàn quận không có doanh nghiệp nợ lương công nhân năm 2024 và tháng 01/2025.
- Tiền thưởng Tết cho công nhân nhìn chung tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025; mức thưởng thấp nhất 500.000 đồng đối với công nhân vừa được tuyển dụng vào làm việc trong công ty; mức cao nhất 100.000.000 đồng cho người lao động của Công ty TNHH Chế tạo máy HONGYUAN HPVN.
    3.5. Các hoạt động tuyên truyền, văn hoá – văn nghệ, thể dục - thể thao chào đón năm mới 2025, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025)
Thực hiện kế hoạch của UBND quận Đồ Sơn, nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức nhằm chào đón năm mới 2025, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Bao gồm các hoạt động bao gồm:
(1) Hội chợ Hoa Xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
• Thời gian: Từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn.
• Địa điểm: Công viên Đoàn Kết - Trung Dũng (phường Hải Sơn, Ngọc Xuyên).
(2) Bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ
• Thời gian: Ngày 28/01/2025 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn).
• Địa điểm: Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
(3) Các giải thể thao chào mừng
• Giải cờ tướng mừng Đảng, mừng Xuân.
• Thời gian: Từ ngày 31/01 - 01/02/2025 (tức mùng 3, mùng 4 Tết).
• Địa điểm: Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận.
(4) Giải đua thuyền truyền thống
• Thời gian: Ngày 02/02/2025 (tức mùng 5 Tết).
• Địa điểm: Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng.
(5) Lễ khai bút Xuân Ất Tỵ 2025 và biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc
• Thời gian: Ngày 08/02/2025 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
• Địa điểm: Tháp Tường Long, phường Ngọc Xuyên.
Những hoạt động này không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón xuân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Đồ Sơn – điểm đến hấp dẫn, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 03/2025
1. Tuyên truyền các hoạt động đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025).
2. Nắm bắt dư luận xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trên địa bàn thành phố và quận. 
3. Tiếp tục nắm bắt dư luận về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15, ngày 24/10/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025; Nghị quyết số 169/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
4. Chủ động nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, sử dụng pháo và vật liệu nổ, phòng, chống dịch bệnh…
5. Chủ động nắm vững thông tin, tình hình dư luận xã hội, thường xuyên tuyên tuyền, lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch trên không gian mạng.
6. Tăng cường tính phát hiện, dự báo diễn biến tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân quận; các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề xuất các phương hướng, giải pháp định hướng, xử lý thông tin dư luận xã hội để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Admin

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0