BẢN TIN
THÔNG TIN SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 12 NĂM 2024
-----
I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1 Một số kết quả chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile và Tổng thống Cộng hòa Peru, Chủ tịch nước Lương Cường tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima và thăm chính thức Cộng hòa Chi-lê, Cộng hòa Peru từ ngày 09 - 16/11/2024.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương. Về song phương, chuyến thăm góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Chile, Peru, cũng như toàn khu vực Mỹ Latinh. Đồng thời, tạo những xung lực mới, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Peru bước vào giai đoạn phát triển mới, năng động, thực chất, hiệu quả, đồng thời, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Về đa phương, việc Chủ tịch nước Lương Cường tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực, tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn APEC 2024 có chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Các nội dung ưu tiên tập trung là: thương mại và đầu tư cho tăng trưởng toàn diện, kết nối; thương mại cởi mở, tự do và toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, thúc đẩy kết nối, hòa nhập và đảm bảo tính bền vững lâu dài; đổi mới và số hóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế; Tăng trưởng bền vững bao gồm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường an ninh lương thực để xây dựng khả năng phục hồi cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
2. Kết quả chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8 (GMS 8) từ ngày 06 - 08/11/2024. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11) từ ngày 06 - 08/11/2024. Đây là các hội nghị định kỳ của các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV.
Tại các Hội nghị, các nhà lãnh đạo, Trưởng đoàn các nước dự các hội nghị gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã xác định các phương hướng lớn cho hợp tác tiểu vùng: (1) Đặt hợp tác tiểu vùng Mekong vào dòng chảy phát triển của thế giới. Xác định tương lai của các nước Mekong gắn với năng lực đổi mới sáng tạo, cách mạng 4.0, tiến bộ khoa học - công nghệ, các Hội nghị khẳng định, hợp tác GMS, ACMECS và CLMV cần đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các thành viên và xây dựng khuôn khổ chính sách phù hợp. Là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng như xuất phát từ nhu cầu bảo vệ dòng sông chung Mekong quý giá, các nước tái khẳng định cam kết trong hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, xây dựng các nền kinh tế xanh - tuần hoàn; (2) Tăng cường sức mạnh nội tại của các nền kinh tế. Với mục tiêu nâng cao tiềm lực và năng lực của các nền kinh tế, các khuôn khổ hợp tác GMS, ACMECS, CLMV cần ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở về giao thông, năng lượng và viễn thông, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, chú trọng tăng cường kết nối kinh tế nhằm mở rộng quy mô, tăng tính bổ trợ, hướng tới một tiểu vùng gắn kết và phát triển; (3) Củng cố đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên để cùng ứng phó với những thách thức chung. Các nhà Lãnh đạo khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị, tình đoàn kết giữa các nước thành viên; nhất trí cùng nhau hiện thực hoá khát vọng chung, tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng với quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung. Đoàn kết và hợp tác mở rộng ra toàn ASEAN và với các đối tác phát triển khắp thế giới để tạo sự cộng hưởng sức mạnh và lan tỏa lợi ích.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ nhận định của mình về các bài học quý giá từ thành công của GMS; đồng thời đề xuất các hành lang kinh tế thế hệ mới với ba nội hàm chính: (1) hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn; (2) hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; (3) hành lang xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Tại Hội nghị ACMECS 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác ACMECS giai đoạn tới cần hội tụ tinh thần “05 chung”, đó là: khát vọng chung, tầm nhìn chung, quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung; đồng thời Thủ tướng đề xuất 6 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá trong giai đoạn tới.
Dự Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá cho hợp tác CLMV để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên; đồng thời đề xuất phương châm “03 cùng” trong định hướng hợp tác CLMV trong thời gian tới, gồm: Cùng quyết tâm để hợp tác CLMV ngày càng hiệu quả, thực chất; Cùng xây dựng trọng tâm hợp tác phù hợp với xu thế mới và bổ trợ hiệu quả cho các cơ chế tiểu vùng Mekong khác; Cùng huy động nguồn lực với nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển.Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại các hội nghị, đã chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong, tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
3 Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
Sáng 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và làm việc tại Brazil, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc song phương với hơn 30 Lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị. Qua đó, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20; thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế; khắc họa rõ nét hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở, “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm lịch sử tới Cộng hòa Dominica, khi là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm nước này sau gần 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện của Dominica; tiếp Lãnh đạo các chính đảng Dominica; dự Lễ khánh thành tu bổ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Santo Domingo; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Dominica; phát biểu chính sách tại Học viện Giáo dục cấp cao về Đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominica.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica đã thành công tốt đẹp; thể hiện vai trò, uy tín, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu, đồng thời, tạo động lực mới cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam – Brazil và Việt Nam – Cộng hòa Dominica.
4. Nâng tầm vóc quan hệ Việt Nam-Malaysia trong kỷ nguyên phát triển mới
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11/2024, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Malaysia phát triển tốt đẹp, nhất là trong gần 10 năm qua từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam và Malaysia coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng, ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tích cực với các chính đảng lớn tại Malaysia. Hai nước chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Anwar Ibrahim; hội kiến, trao đổi với lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện, chính đảng; phát biểu về chính sách tại Đại học Malaya; thăm cơ sở kinh tế tiêu biểu và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Malaysia...Tại các cuộc hội đàm, hội kiến trong bầu không khí tin cậy và chân thành, các nhà lãnh đạo hai nước cùng đánh giá quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam - Malaysia trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử và phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Thiết lập năm 2015, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển sâu sắc, đạt những thành tựu quan trọng cả trên bình diện song phương và đa phương, trên cơ sở hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tầm nhìn chung về an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững ở khu vực và sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, gắn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước.
Chia sẻ nhận định quan hệ Việt Nam - Malaysia đang trong giai đoạn tốt đẹp, với nhiều cơ hội, tiềm năng phù hợp để tiến lên tầm mức cao hơn, hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam - Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện, đưa Malaysia trở thành thành viên ASEAN, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có khuôn khổ quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam.
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
Thông tin tình hình trong nước
1.1. Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28-29/11/2024 theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường
Quốc vương Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là sự tiếp nối các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua. Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) đã thăm cấp Nhà nước tới Campuchia từ 12/7 – 13/7. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị ICAPP, IPTP từ 21-24/11. Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12/2023. Ngoài ra, trong năm 2024, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Campuchia. ... Mới đây, trong khuôn khổ chuyến công tác Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Norodom Sihamoni vào ngày 23/11.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Quốc vương Norodom Sihamoni là điểm nhấn quan trọng, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân hai nước.
Trong các lĩnh vực, quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. Hợp tác giữa hai nước về quốc phòng, an ninh không ngừng được tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả. Qua đó, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau hợp tác và phát triển.
Về đối ngoại, Việt Nam và Campuchia thường xuyên tham vấn lẫn nhau về các vấn đề liên quan lợi ích song phương, cũng như các vấn đề liên quan đến khu vực và quốc tế; bảo đảm cho hai bên cùng xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế một cách hài hòa, bảo đảm lợi ích và chủ quyền của mỗi quốc gia.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư liên tục phát triển lên tầm cao mới. Hợp tác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... được quan tâm, đẩy mạnh. Đáng chú ý, tính hết quý III năm nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Campuchia tiếp tục đạt được những bước phát triển vượt bậc khi tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, lên 5,8 tỷ USD. Việt Nam đang là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia...
1.2. Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev Chiều 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm hoan nghênh Tổng thống Rumen Radev thăm chính thức Việt Nam, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 và chúc mừng Bulgaria đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế. Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo với Tổng thống Rumen Radev về những thành tựu to lớn, toàn diện của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Bày tỏ trân trọng đối với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Bulgaria dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng gìn giữ và củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Bulgaria, coi Bulgaria là cửa ngõ quan trọng để phát triển quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời bày tỏ Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa Bulgaria với các nước Đông Nam Á.
Đánh giá cao kết quả tốt đẹp của các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Tổng thống Bulgaria với các nhà lãnh đạo Việt Nam và những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam và Bulgaria, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với Tổng thống Rumen Radev một số phương hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước lên tầm cao mới, tăng cường hợp tác toàn diện, đặc biệt trên các lĩnh vực mà Bulgaria có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, công nghiệp, kỹ thuật điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu vũ trụ…
1.3. Tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khái quát nhấn mạnh kết quả đạt được, một số công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt, đồng thời cả hai nhiệm vụ quan trọng, tăng tốc bứt phá để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Trên cơ sở nguyên tắc đã nêu trên và định hướng của Bộ Chính trị cũng đã được Trung ương thống nhất, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban đảng, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất; chuẩn bị phương án nhân sự và rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức bộ máy mới để đảm bảo đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Tăng cường phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Giáo dục nghề nghiệp năm 2025 tại thành phố Hải Phòng
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu tuyển sinh. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, toàn hệ thống chính trị tập trung xây dựng, triển khai phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030, trong đó năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, để chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết bảo đảm nâng cao chất lượng dạy và học và tổ chức tốt Kỳ thi, tuyển sinh năm 2025, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, toàn diện tổ chức Kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục Đại học, Giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh bảo đảm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.
Khẩn trương rà soát, tham gia ý kiến hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực và tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời, bảo đảm tuyển sinh phải khách quan, thực chất, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và có tác động tích cực tới nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học ở bậc học phổ thông. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin và định hướng về nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh khối 12 để các em hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề.
Các Sở, ngành chức năng và đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung làm tốt thông tin, truyền thông bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi và tuyển sinh, nhất là đối với học sinh, gia đình học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi,…) tăng số chuyến vận tải hành khách trong thời gian diễn ra Kỳ thi; phối hợp với Công an thành phố đảm bảo an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông trong những ngày diễn ra Kỳ thi. Bảo đảm các điều kiện về cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông, giao thông vận chuyển. Triển khai tốt công tác “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ học sinh và người nhà học sinh và tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn cho Kỳ thi và tuyển sinh.
2.2. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố
Chiều 14/11, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
Theo báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, có 14/20 chỉ tiêu đã đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Có 06/20 chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, cần có các giải pháp đột phá hữu hiệu mới có thể đạt mục tiêu Nghị quyết: (1) Tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hải Phòng trong GDP cả nước và GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; (2) GRDP bình quân đầu người; (3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP); (4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó thu nội địa; (5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; (6) Khách du lịch.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội...
Tại cuộc làm việc, thành phố Hải Phòng kiến nghị đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện và triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kết luận số 96-KL/TW, ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị; kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành quan tâm, sớm góp ý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 để trình Quốc hội thông qua trong quý I/2025; chỉ đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình, phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng trong năm 2024;… Thành phố cũng kiến nghị đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương triển khai đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó bao gồm xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện trong giai đoạn năm 2026 - 2030; đồng ý chủ trương để chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hướng dẫn, tạo điều kiện cho phép Thành phố được điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để lấn biển tạo quỹ đất phục vụ phảt triển kinh tế xã hội khu vực Đồ Sơn, Cát Bà...
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ quận Đồ Sơn Khóa XXVI đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 (Thời gian bắt đầu từ ngày 08/11 đến 16/11)
Quy mô khảo sát: Tổng số có 03 đoàn khảo sát, làm việc tại 08 đơn vị trên địa bàn quận, cụ thể:
- Đoàn số 1: Trưởng đoàn: Đồng chí Nguyễn Quang Diện - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy. Đơn vị khảo sát: Đảng bộ phường Vạn Hương, phường Minh Đức và Trường THPT Đồ Sơn.
- Đoàn số 2: Trưởng đoàn: Đồng chí Hoàng Gia Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND quận. Đơn vị khảo sát: Đảng bộ phường Ngọc Xuyên, phường Hợp Đức và Trung tâm Y tế quận.
- Đoàn số 3: Trưởng đoàn: Đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận. Đơn vị khảo sát: Đảng bộ phường Hải Sơn, phường Bàng La và Công an quận.
Kết quả: Các đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế, thu thập ý kiến và đánh giá khách quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các đơn vị, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, hướng đến mục tiêu xây dựng quận Đồ Sơn trở thành đô thị hiện đại, thông minh, phát triển bền vững, trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế trong thời gian tới.
3.2. Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh năm 2024
Sáng ngày 22/11/2024, Quận ủy - UBND quận Đồ Sơn tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bùi Hùng Thiện - Ủy viên Thành ủy, Bí thư Quận ủy; đồng chí Trần Khắc Kiên - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Phát biểu chào mừng, đồng chí Trần Khắc Kiên - Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận thông tin về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội quận năm 2024, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của gần 300 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ kinh doanh trong sự phát triển của địa phương.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu nhiều kiến nghị thiết thực như: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tại các chi bộ doanh nghiệp; cơ chế chi trả BHXH trong thời gian thử việc; giải pháp cho thuê đất lâu dài để thu hút đầu tư; phát triển nông nghiệp sạch và du lịch đặc thù; cũng như các chính sách cải tạo, chỉnh trang hạ tầng du lịch và giáo dục ...
Các đồng chí Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận đã trực tiếp trả lời, làm rõ các kiến nghị của doanh nghiệp. Một số ý kiến được giao cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị báo cáo làm rõ.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Bùi Hùng Thiện cảm ơn và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Đồ Sơn; đồng thời khẳng định, Quận ủy - UBND quận luôn chú trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp quận phát triển mạnh, bền vững.
Buổi đối thoại nhận được sự đồng thuận cao từ các doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành, lắng nghe và cam kết tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương.
3.3. Công nhận di tích quốc gia đặc biệt "ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN"
Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn khẳng định vị trí đặc biệt của tuyến đường huyền thoại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bến K15 tại chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng là điểm xuất phát của những con tàu không số, mở ra con đường vận tải chiến lược vượt biển, chi viện cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Di tích này không chỉ là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng yêu nước mà còn ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thành phố Hải Phòng đã đầu tư trên 234 tỷ đồng thực hiện dự án tu bổ, nâng cấp, xây dựng các hạng mục công trình của di tích. Đây là bước đi thiết thực nhằm giữ gìn và lan tỏa giá trị đặc biệt của di tích đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Việc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm tự hào lớn lao của quận Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Đây là cơ hội để quận Đồ Sơn tiếp tục quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, gắn kết truyền thống lịch sử với sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương. Di tích Quốc gia đặc biệt "ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN" là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau!
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 12/2024
1. Tăng cường Quán triệt những nội dung cốt lõi của Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Quy định. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Quy định; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa các văn bản trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện có hiệu quả Quy định của Bộ Chính trị.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện tuyên truyền Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 379-KH/TU ngày 17/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ và Thông tri số 10-TT/TU ngày 22/7/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 204-KH/QU ngày 07/8/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ và Thông tri số 23-TT/QU ngày 07/8/2024 của Ban Thường vụ Quận ủy về tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; …
4. Tuyên truyền về Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), gắn với đẩy mạnh tuyên truyền về Quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kết quả triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thành phố và việc triển khai thực hiện các Đề án: Thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng và Chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
5. Tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng, gắn với triển khai công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên năm 2024; công tác chuẩn bị các văn kiện và nhân sự cấp ủy phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XXVI Đảng bộ quận; Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về đại hội đảng các cấp.
6. Tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989 - 06/12/2024); kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân.