I. HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY
1. Hoạt động đối ngoại
1.1. Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Thủ thướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà Nhân dân trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-14/10.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Lý Cường trên cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/01/1950 - 18/01/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2024).
Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”.
1.2. Kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 30/9 - 07/10/2024).
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn nâng tầm, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.
Với lịch trình hoạt động dày đặc ở Mông Cổ, Ireland, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, thể hiện qua việc thông qua 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ireland, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký kết 20 văn kiện, trong đó có 07 văn kiện hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, giao thông vận tải, giáo dục và hợp tác địa phương, 03 văn kiện hợp tác với Ireland về giáo dục đại học, chuyển đổi hệ thống lương thực, kinh tế, thương mại và năng lượng; với Pháp, gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước đã mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới.
Đặc biệt, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng Việt Nam tại Ireland.
Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức chung, cũng như tận dụng các cơ hội có được từ sự phát triển của khoa học, công nghệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cùng lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers - Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững. Tại Hội nghị, Việt Nam được nhắc đến nhiều trong các thảo luận và được coi là hình mẫu phát triển trong Cộng đồng Pháp ngữ.
2. Tình hình thế giới
2.1. Tình hình xung đột tại Trung Đông
Xung đột tại khu vực Trung Đông leo thang ngày càng rộng và khốc liệt. Đặc biệt là những xung đột, căng thẳng giữa Israel với Iran và lực lượng Hezbollah tại Li-băng. Quy mô và cường độ tấn công đáp trả giữa Israel và lực lượng Hamas, Hezbollah ở Li-băng và Yemen gia tăng. Những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng tới nay vẫn bế tắc.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã leo thang lên mức độ nguy hiểm thời gian qua khi Israel tiến hành không kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đồng thời đưa binh sỹ vào miền Nam Liban. Sự kiện trên tiếp nối chuỗi các đợt tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza, Bờ Tây và Li-băng. Không chỉ tại Dải Gaza, Israel cũng tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Syria. Theo công bố của chính phủ Li-băng vào ngày 02/10, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Theo giới chức Libăng, xung đột đã khiến khoảng 1,2 triệu người ở nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hơn 400.000 người đã tìm nơi ẩn náu tại quốc gia láng giềng Syria. Đây là chiến dịch tấn công lớn nhất mà Israel thực hiện nhằm vào khu vực miền Nam Li-băng kể từ năm 2006.
Trước những hành động trên của Israel, Iran cho rằng đây là những hành động diệt chủng; khẳng định sẽ đoàn kết và hỗ trợ Li-băng, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả các hành động của Israel. Chính quyền Li-băng kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, cần có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn để giảm leo thang, giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Đồng thời, đề nghị các bên thực hiện nghiêm Nghị quyết 1701 năm 2006 về kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah và một số lực lượng dân quan Palestine tại đây, chỉ có quân đội của chính phủ Li-băng và lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Li-băng (UNIFIL) được duy trì hiện diện quan sự tại miền Nam Li-băng.
Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh leo thang căng thẳng, khẩn trương đạt được lệnh ngừng bắn. Trong tuyên bố tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 08/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, Li-băng đang “trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện”. Nga và Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình, khẳng định ủng hộ lập trường của Li-băng và lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Đài phát thanh Israel Kan đưa tin, Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Israel để nước này không tấn công các mục tiêu của Iran nhằm tránh nguy cơ leo thang không kiểm soát được giữa hai quốc gia duy nhất có năng lực hạt nhân tại khu vực…
Theo các chuyên gia, những diễn biến tình hình khu vực Trung Đông đã khiến an ninh khu vực tiếp tục đối mặt với nguy cơ lan rộng; làm bùng phát làn sóng di cư, gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đồng thời, làm gia tăng bất ổn về an ninh, an toàn, tác động đến thương mại, vận tải, logistics, giá dầu tại khu vực và toàn cầu.
2.2. Một số diễn biến tình hình thế giới thời gian gần đây
- Đại hội đồng Liên hợp quốc (09/10) đã bầu 18 thành viên mới tham gia Hội đồng Nhân quyền, gồm 47 quốc gia thành viên, trong đó các ghế được phân bổ cho các nhóm khu vực để đảm bảo đại diện theo địa lý. Các quốc gia này sẽ có nhiệm kỳ kéo dài 3 năm, kể từ ngày 01/01/2025. Thông qua hình thức bỏ phiếu kín, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Benin, Bolivia, Colombia, Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Gambia, Iceland, Kenya, Quần đảo Marshall, Mexico, Bắc Macedonia, Qatar, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái Lan làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2027.
- Liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 29/9/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển. Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.
Nhiều quốc gia như: Philippines, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Australia… đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành động nguy hiểm của tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam; kêu gọi việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, để đảm bảo hòa bình, ổn định và an toàn ở Biển Đông.
II. THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỜI SỰ TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ VÀ QUẬN
1. Thông tin tình hình trong nước
Kết quả Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội)
1.1. Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng
* Về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng
Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, cơ bản tán thành kết cấu và những nội dung chính của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV; phân tích, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV; khẳng định Dự thảo Báo cáo chính trị có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất Cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới; đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng với ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đạt được những thành tựu, kết quả nổi bật: (1) Phát triển kinh tế cơ bản hoàn thành những mục tiêu chủ yếu, quan trọng. (2) Phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ. (3) Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng tầm. (4) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đồng bộ, trong sạch, vững mạnh toàn diện; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ban Chấp hành Trung ương xác định, trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
* Về Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá Dự thảo Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, toàn diện, khá sâu sắc; thể hiện được những vấn đề mới có tính lý luận rút ra từ thực tiễn. Đây là Báo cáo rất quan trọng góp phần hoàn thiện lý luận của Đảng ta về đổi mới, phát triển đất nước trong 40 năm qua; từ đó tiến hành xây dựng phương hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong 40 năm xây dựng, phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, những vấn đề khó khăn đặt ra cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ban Chấp hành Trung ương đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, trong đó, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến đánh giá về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta trong 6 lĩnh vực: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng, lý luận "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội"; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về sự sáng tạo, đột phá lý luận trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về văn hóa, xã hội và con người; về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
* Về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng
Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Điều lệ Đảng hiện hành đã được thi hành 03 nhiệm kỳ; cơ bản các nội dung của Điều lệ Đảng hiện hành phù hợp thực tiễn; các quy định, hướng dẫn của Trung ương cụ thể, thuận lợi trong thi hành, qua đó bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương chưa bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIV; trên cơ sở tổng kết công tác thi hành Điều lệ Đảng, đề nghị Đại hội XIV giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng ngay từ đầu nhiệm kỳ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng vào thời điểm phù hợp.
* Về Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030
Ban Chấp hành Trung ương nhận định 05 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về phát triển hạ tầng. Phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều mặt tiến bộ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Về những hạn chế, yếu kém, Ban Chấp hành Trung ương thẳng thắn chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt chưa cao…
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những kết quả, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình trong nước, quốc tế những năm tới, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026 - 2030.
Ban Chấp hành Trung ương thông qua nội dung cơ bản các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV (nêu trên); giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo các Tiểu ban hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trên để lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
1.2. Về Báo cáo Tổng kết thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng
Ban Chấp hành Trung ương đánh giá Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành và thống nhất thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng đúng thời điểm, đã kịp thời cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Đảng về công tác bầu cử, tháo gỡ những vướng mắc, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Về cơ bản, hầu hết các nội dung của Quy chế bầu cử trong Đảng vẫn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất bổ sung, sửa đổi một số nội dung nhằm làm rõ hơn, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bố cục hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện.
1.3. Về dự thảo Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá, trong bối cảnh, tình hình có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng Đại hội XIII của Đảng đã bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cơ bản bảo đảm chất lượng, có số lượng, cơ cấu tương đối phù hợp theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, phát triển liên tục đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng; góp phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực; nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là "then chốt" của "then chốt", có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trên cơ sở thảo luận dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, yêu cầu công tác nhân sự Đại hội XIV, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện.
1.4. Về dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025 – 2027
Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với Dự thảo Tờ trình và các báo cáo do Ban cán sự đảng Chính phủ trình; ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, phân tích, làm sâu sắc thêm những kết quả đã đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn và nguyên nhân, phân tích sâu về bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025 - 2027. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện trong năm 2025 phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự kiến khó đạt và đạt cao hơn đối với các chỉ tiêu dự kiến đạt kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, làm cơ sở tạo đà cho nhiệm kỳ mới.
1.5. Về chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.
1.6. Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện Đề án trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
1.7. Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm: Đồng chí Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa và đồng chí Đinh Văn Cường, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
2. Thông tin tình hình thành phố Hải Phòng
2.1. Kỳ họp thứ 19 (Kỳ họp Chuyên đề) HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 -2026 thông qua 16 Nghị quyết
1. Phê duyệt bổ sung số người làm việc và hợp đồng lao động hưởng lương ngân sách nhà nước để thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024.
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 của HĐND thành phố về xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025.
3. Chấm dứt hiệu lực Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư giải phóng mặt bằng Tòa án nhân dân quận Kiến An giai đoạn II, làm sân, đường vào, cổng, tường rào.
5. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường nối đường Nguyễn Lương Bằng với đường Trần Nhân Tông, quận Kiến An.
6. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đại Thắng (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến tuyến kết nối với đường vào khu tái định cư, mặt cắt ngang đường 25m), phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh.
7. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mới trường Mầm non Nhi Đức, quận Kiến An.
8. Hỗ trợ kinh phí đầu tư Dự án xây dựng nhà làm việc, hội trường đa chức năng và công trình phụ trợ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.
9. Dừng phát hành trái phiếu Chính quyền địa phương năm 2024 tại thành phố Hải Phòng.
10. Điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương năm 2024.
11. Điều chỉnh, bổ sung (lần 3) Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024.
12. Dự kiến (lần 2) Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2025.
13. Điều chỉnh, bổ sung (lần 9) Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
14. Cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2026 - 2030.
15. Điều chỉnh các dự án đầu tư phải thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
16. Điều chỉnh danh mục các dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất trên địa bàn thành phố năm 2024.
2.2. Triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2024 - 2030
Ngày 17/9/2024, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 19/7/2024 của HĐND thành phố Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 03).
Theo đó, việc tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 03 nhằm chuẩn hóa bằng cấp theo quy định cho người lao động; thu hút học sinh tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên học trình độ Trung cấp; người có bằng tốt nghiệp THPT học trình độ trung cấp, trình độ Cao đẳng tại các trường Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn thành phố; góp phần phát triển và cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; đáp ứng các tiêu chí theo quy định của đội ngũ nhà giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện Nghị quyết 03, UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03; tổng hợp, báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện, báo cáo UBND thành phố. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố tổng hợp, đề xuất dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề hàng năm theo chính sách Nghị quyết 03.
3. Thông tin tình hình trên địa bàn quận
3.1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024
9 tháng đầu năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được quận triển khai quyết liệt, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; nội bộ hệ thống chính trị đoàn kết, đồng thuận; Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phát triển của địa phương. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động quần chúng Nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động, hiệu quả, đặc biệt là việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác khắc phục hậu quả bão số 3 đạt kết quả tích cực.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt tiến độ kế hoạch đề ra. 18/27 chỉ tiêu bảo đảm tiến độ trên 75%, trong đó 08 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách quận là 238.330 triệu đồng, đạt 69,8% dự toán, tăng 25,64% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách là 319.529 triệu đồng, bằng 72,8% dự toán. Quận đã giải ngân từ nguồn ngân sách thành phố 126.332/260.474 triệu đồng, đạt 48,5% kế hoạch; giải ngân từ nguồn thành phố phân cấp là 101.141/160.613 đạt 63% kế hoạch.
3.2. Quận Đồ Sơn: Quyết tâm cải thiện Chỉ số cải cách hành chính
Theo kết quả đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ hành chính của UBND các quận, huyện năm 2022, UBND quận Đồ Sơn xếp thứ 14, với mức độ hài lòng 84,25%; đứng trước UBND huyện Bạch Long Vĩ xếp hạng 15 (mức độ hài lòng 82,87%). Về xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 của UBND các quận, huyện, Đồ Sơn xếp hạng 9/15; nếu tính riêng điểm đo lường sự hài lòng, quận chỉ đạt 29,49/35 điểm; xếp trên UBND huyện Bạch Long Vĩ (điểm đo lường sự hài lòng 29/35 điểm).
Thời gian qua, UBND quận xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo quyết liệt khắc phục các hạn chế. Trước hết, quận triển khai rộng rãi và toàn diện các nhiệm vụ CCHC năm 2023 đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn quận; tăng cường tuyên truyền đến đông đảo người dân, tổ chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính; tập trung các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức tại bộ phận "một cửa"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC.
Năm 2023, quận Đồ Sơn đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác CCHC. Đáng chú ý, kết quả thực hiện việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC nhận được đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức. Tại bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2023, Đồ Sơn vươn lên xếp thứ 7/15. Ấn tượng hơn cả là kết quả đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ hành chính của UBND 15 quận, huyện năm 2023, Đồ Sơn bứt phá ngoạn mục xếp thứ 8/15, tăng mạnh 6 bậc so với vị trí 14/15 năm 2022.
3.3. Thành phố Hải Phòng chi hơn 230 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo quần thể Di tích Bến K15, quận Đồ Sơn
UBND TP. Hải Phòng sẽ chi 234 tỷ đồng để tôn tạo tổng thể Khu di tích bến K15, nơi xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại. Dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích bến K15 sẽ được thực hiện trên diện tích 2,28 ha do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Các hạng mục bao gồm xây dựng cổng vào khu di tích, đài tưởng niệm, sân quảng trường, cầu tàu kết hợp thả hoa đăng, đền thờ anh hùng - liệt sĩ; mô phỏng tàu không số và các chiến sĩ, phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân và hệ thống hạ tầng phụ trợ. Thời gian thực hiện đến năm 2026.
Trong 5 ngày từ 7/10 đến 12/10, TP Hải Phòng đã trưng bày xin ý kiến người dân về mẫu phác thảo phù điêu đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân, tàu không số và các chiến sĩ thuộc dự án tại bến K15. Trong đó, hạng mục công trình tàu không số và các chiến sĩ có kích thước 19,8 m x 5,92 m với tàu bằng đá, trên boong tàu bố trí vườn tượng bằng đồng, tái hiện nghi thức buổi lễ tiễn các chiến sĩ trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Phù điêu đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân làm bằng đồng, kích thước dự kiến 11,71 m x 6,68 m, được gắn vào hệ khung thép không gỉ và đỡ bởi hệ thống kết cấu bê tông chịu lực.
Trước đó, TP Hải Phòng đã tổ chức thi tuyển và chọn được 3 phù điêu, 3 tàu mô phỏng để bước tiếp vào vòng chung khảo. Căn cứ ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và tổ cố vấn, các tác giả đã bổ sung, chỉnh sửa, trưng bày xin ý kiến người dân trước khi Hội đồng Nghệ thuật và tổ cố vấn lịch sử chấm chọn vòng chung kết.
III. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 11/2024
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tuyên truyền Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 379-KH/TU ngày 17/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ và Thông tri số 10-TT/TU ngày 22/7/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 204-KH/QU ngày 07/8/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ và Thông tri số 23-TT/QU ngày 07/8/2024 của Ban Thường vụ Quận ủy về tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tuyên truyền về Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ 07/10 đến 14/10/2024) theo Đề án số 2510/ĐA-VPQH, ngày 04/10/2024 của Văn phòng Quốc hội; Kết quả các kỳ họp Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy, các kỳ họp năm 2024 của HĐND quận khóa VI…
3. Tuyên truyền về Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), gắn với đẩy mạnh tuyên truyền về Quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kết quả triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thành phố và việc triển khai thực hiện các Đề án: Thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng và Chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
4. Tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng, gắn với triển khai công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên năm 2024; công tác chuẩn bị các văn kiện và nhân sự cấp ủy phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XXVI Đảng bộ quận; Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về đại hội đảng các cấp.
5. Tiếp tục tuyên truyền về những giải pháp các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện để khắc phục hậu quả sau bão số 3 (Yagi) và kết quả đạt được trên địa bàn quận và thành phố; tuyên truyền kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án của quận; công tác y tế, phòng, chống dịch sốt xuất huyết và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của Nhân dân trong thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy (đặc biệt là cháy rừng trên địa bàn quận); về việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; cảnh giác với các loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao; chủ động nắm vững thông tin, tình hình dư luận xã hội, thường xuyên tuyên tuyền, lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch trên không gian mạng…
6. Tăng cường thông tin, tuyên truyền kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 30/9-07/10/2024) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Bám sát chỉ đạo, định hướng của cơ quan Trung ương và cơ quan báo chí, truyền thông chính thống để thông tin về tình hình thế giới, khu vực: Các sự kiện xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ; căng thẳng Nga - Ukraine; leo thang căng thẳng giữa Israel và một số quốc gia trong khu vực Trung Đông; căng thẳng giữa Trung Quốc - Philippin tại bãi Cỏ Mây trên biển Đông; các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…
7. Tiếp tục tuyên truyền kết quả Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, nhiệm kỳ 2024 - 2029, kết quả Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X; tuyên truyền kết quả Đại hội Hội LHTN thành phố nhiệm kỳ 2024 - 2029, tiến tới Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ IV, năm 2024.
8. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn trong tháng 11/2024: 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/2024); 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024); 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024); 84 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2024); 78 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2024); 204 năm Ngày sinh Ph. Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2024); Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11); Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).